• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp ngành sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

Trong quý 1 năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung vào nghiên cứu, chỉnh sửa các vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật trong các nghị định, thông tư liên quan đến đầu tư.

Báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam tại buổi làm việc cho biết, sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau cây lúa, cây ngô và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi khó khăn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động trong ngành hơn 1,2 triệu người. Sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 3 sản phẩm cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia, được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt cao tới 1,35 tỷ USD/năm.

Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu). Trong đó hơn 65% sản lượng toàn ngành xuất khẩu theo điều kiện DAF (giao hàng tại biên giới-Incoterm 2010), qua các cửa khẩu khu vực tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai,...
Doanh nghiệp ngành sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch
Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam báo cáo tại buổi làm việc

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện tại ngoài các khó khăn liên quan đến dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đóng cửa, xuất khẩu chính ngạch với giá xuất khẩu thấp do cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia, chuỗi cung ứng container không đáp ứng, dịch bệnh khảm lá sắn chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu... thì ngành sắn còn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn là việc dừng hoàn thuế GTGT của Tổng cục Thuế theo Công văn số 2495/TCT-TTKT ngày 8/7/2021 và Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022.

Theo đó Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát các hồ sơ hoàn thuế và xác minh đối tác khách hàng mua hàng phía Trung Quốc để đủ điều kiện hoàn thuế GTGT. Nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản rất cao, ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế xã hội ở nhiều địa phương, có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất cây trồng “tỷ đô”…

Tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đề xuất với Bộ Công Thương một số kiến nghị. Theo đó, theo tinh thần của Công văn 689/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp và kiến nghị Bộ Tài chính – Tổng cục Thuế căn cứ hồ sơ thực tế của doanh nghiệp xuất khẩu, và căn cứ pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT chỉ đạo các Cục thuế địa phương hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn như trước đây, tạo sự đồng thuận cho doanh nghiệp.

Đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thể hoàn thuế GTGT phù hợp với thực tế hoạt động xuất khẩu biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc, phù hợp với tinh thần Nghị định 14/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 2, Điều 24 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP nhằm thích ứng với hoạt động xuất nhập khẩu biên giới đối với các nước có chung biên giới cho mặt hàng tinh bột sắn nói riêng và cho các hàng hóa khác (nông lâm thủy sản, hoa quả...) nói chung.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị nêu trên của Hiệp hội Sắn Việt Nam và sẽ phối hợp, hỗ trợ với Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành sắn để kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội.

Doanh nghiệp ngành sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị doanh nghiệp ngành sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý để kiến nghị hiệu quả thì doanh nghiệp phải xuất trình được căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng của Bộ để làm việc với các cơ quan của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng khuyến nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên quan tâm công tác nghiên cứu tiềm năng, nhu cầu sử dụng sản phẩm của các thị trường cũng như có chuyển đổi cần thiết. Tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện Đề án xuất khẩu chính ngạch.

Tiếp tục mở rộng thị trường để tránh phu thuộc vào một số thị trường, giảm thiểu các rủi ro. Cùng đó cố gắng cao nhất hạn chế xuất thô, xuất tươi mà thay vào đó là các sản phẩm chế biến càng sâu càng tốt. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam.

"Ngay từ bây giờ cần chuyển mạnh sang sản xuất và xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Hiện Đề án xuất khẩu qua biên giới theo con đường chính ngạch đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ để sớm phê duyệt trong thời gian tới" - Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng cũng lưu ý từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do đó các sản phẩm xuất khẩu không đạt các tiêu chí tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP thì sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ mất cả một ngành sản xuất.

Quang Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết