Công ty thủy điện của doanh nhân Trương Đình Lam làm ăn ra sao?
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy điện, cả Lam Sơn JSC và Nậm Pia đều báo lợi nhuận nửa đầu năm sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (tên viết tắt: Lam Sơn JSC) vừa công bố tình hình tài chính bán niên năm 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo đó, Lam Sơn JSC ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 760 triệu đồng, giảm mạnh 95% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Lam Sơn JSC tại ngày 30/6/2023 đạt 2.745 tỷ đồng, giảm 1,9% so với số đầu năm. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả công ty ở mức 1.379 tỷ đồng, giảm 3,7%. Vốn chủ sở hữu 1.366 tỷ đồng.
Về tình hình thanh toán lãi trái phiếu, trong nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp thủy điện này đã tiến hành trả tổng số tiền lãi 8,7 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cùng nhóm là CTCP Thủy điện Nậm Pia cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống trong nửa đầu năm nay với lãi sau thuế đạt 471 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 9,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Nậm Pia tại ngày 30/6/2023 đạt 548,9 tỷ đồng, giảm gần 30,8% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 261 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,19%; trong khi đó nợ phải trả 345 tỷ đồng, giảm gần 35,2%. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu Nậm Pia còn 203,9 tỷ đồng.
Nửa đầu năm là khoảng thời gian không thuận lợi với ngành thủy điện. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các hồ thủy điện trên cả nước giảm sâu, phải dừng phát điện, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Nửa đầu năm, CTCP Đầu tư và Phát điện miền Bắc 2 (mã: ND2) lãi 645 triệu đồng (cùng kỳ năm trước 105 tỷ đồng); lợi nhuận CTCP Thủy điện Thác Bà (mã: TBC) giảm hơn 80 tỷ đồng; CTCP Thủy điện Hương Sơn (GSM) báo lãi ròng giảm đến 80%; CTCP Thủy điện Sông Vàng giảm lợi nhuận 51%,...
Trở lại với Lam Sơn JSC, doanh nghiệp này có lịch sử khá lâu đời khi được thành lập năm 1999 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, trụ sở chính được đặt tại đường Chu Văn Thịnh, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La.
Công ty được sáng lập bởi 4 cổ đông là các ông bà Trương Đình Lam (58,65%), Nguyễn Phương Diệu (29,33%), Phạm Anh Ngọc và Nguyễn Thị Hương (12,02%). Ngày 28/12/2018, Lam Sơn tăng vốn mạnh lên mức 2.650 tỷ đồng, tuy nhiên đến tháng 4/2019 lại giảm xuống còn 874,5 tỷ đồng và cập nhật tại lần thay đổi gần nhất (23/12/2021) chỉ tiêu này ở mức 1.312 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của Lam Sơn JSC là ông Trương Đình Lam (SN 1964) còn Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Trương Đình An (SN 1990).
Ngoài Lam Sơn JSC, doanh nhân Trương Đình Lam còn thành lập một loạt doanh nghiệp khác, bao gồm: CTCP Thủy Điện Nậm Pia; CTCP Thủy điện Mường Tè; CTCP Đầu tư và Xây dựng Thủy điện Nậm Hồng, CTCP Thủy điện Sông Lô 4 và CTCP Thủy điện Sông Lô 7. Các công ty này đều đảm nhiệm vai trò phát triển các dự án thủy điện của Lam Sơn JSC.
Với việc đặt đại bản doanh tại Sơn La, Lam Sơn JSC đã nhanh chóng khẳng định vị thế tại đây khi sở hữu một loạt các dự án thủy điện quy mô lớn với tổng công suất lên đến 108,4MW, bao gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Pia (công suất 15MW); Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1 & 2 (6,4MW); Nhà máy thủy điện Nậm Giôn (20MW); Thủy điện Sông Lô 4 (24MW); Thủy điện Sông Lô 8A&B (27 MW) và Thủy điện Nậm Hồng 1&2 (16 MW). Trong đó Nậm Pia chính là dự án đầu tay của Lam Sơn JSC, được khởi công vào năm 2007 và đi vào hoạt động 2 năm sau (tháng 8/2009).
Theo Nhật Huỳnh
Nhà đầu tư