• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO Gemadept: Vận tải biển đã qua đỉnh nhưng hoạt động cảng vẫn tăng trưởng

Quý IV và nửa đầu năm 2023 sẽ là giai đoạn khó khăn cho hoạt động cảng biển do nhu cầu hàng hóa ở các thị trường chính giảm. Công ty đang thúc đẩy đầu tư dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 để đưa vào hoạt động từ quý I/2023. Kết quả kinh doanh 9 tháng của Gemadept khả quan và lo ngại quý IV có thể sụt giảm.

Tại hội thảo “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept”, ông Nguyễn Thanh Bình – Tổng giám đốc Gemadept ( HoSE: GMD ) đánh giá giá cước vận tải biển đã qua đỉnh và hoạt động vận tải biển bắt đầu trở lại bình thường trước dịch. Do đó, lợi nhuận của công ty vận tải biển sẽ giảm từ từ và quay lại mức bình thường sau 2 năm đạt kết quả đột biến.

Đối với hoạt động cảng biển, ông Bình nhìn nhận trong ngắn hạn có sụt giảm và gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, quý IV và nửa đầu 2023 là giai đoạn khó khăn về vấn đề vận chuyển hàng hóa do suy thoái toàn cầu, nhu cầu ở thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm. Dù vậy, với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, các hiệp định thương mại đã ký, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ còn tăng trưởng và chưa đạt đỉnh.

CEO Gemadept: Vận tải biển đã qua đỉnh nhưng hoạt động cảng vẫn tăng trưởng - Ảnh 1.

Ảnh: Chụp màn hình

Doanh nghiệp vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25% mỗi năm giai đoạn 2020-2025. Đến 2025, lợi nhuận trước thuế gấp 3 lần năm 2020 và đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Động lực đến từ việc gia tăng sản lượng container thông qua hệ thống cảng Gamedept, dự kiến gấp 3 lần 2020 đạt 5,9 triệu TEU.

CEO Gemadept: Vận tải biển đã qua đỉnh nhưng hoạt động cảng vẫn tăng trưởng - Ảnh 2.

Ảnh: Chụp màn hình

Công ty đang thúc đẩy đầu tư dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 để đưa vào hoạt động từ quý I/2023. Dự án được khởi công từ năm 2021, vốn đầu tư 75 triệu USD, quy mô 600.000 TEU.

Với Gemalink 2 đang trong quá trình hoàn thiện giấy phép xây dựng, kỳ vọng hoàn thành trong năm nay và có thể khởi công trong nửa đầu năm sau. Dự án có công suất 1,5 triệu TEU, vốn đầu tư 300 triệu USD.

Ngoài ra, Gemadept có kế hoạch phát triển dự án logistics tại phía Nam quy mô 10 ha và vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ tập trung vào đầu tư cảng biển, cảng hàng hóa hàng không, cảng thủy nội địa, trung tâm logistics, khu công nghiệp…

Cùng với đó, Gemadept sẽ thoái vốn các khoản đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tạo dòng tiền đầu tư dự án.

Bà Bùi Thị Thu Hương - Giám đốc Tài chính chia sẻ năm 2021, Gemadept đã thực hiện vượt kế hoạch với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 57% so với 2020. Với năm 2022, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan, dù có những lo ngại sụt giảm trong quý IV nhưng xét cả năm vẫn hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng. Do vậy, ban lãnh đạo tự tin có thể hoàn thành sớm mục tiêu lợi nhuận năm 2025 là gấp 3 lần 2020 (513 tỷ đồng).

Đối với vấn đề USD và lãi suất tăng cao, bà Hương cho biết công ty có các khoản thu bằng đồng USD đến từ các hãng tàu nên rủi ro tỷ giá tăng với các khoản vay nợ bằng USD được giảm thiểu đáng kể. Trong khi đó, Gemadept đang tìm cách để trả các khoản vay USD trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Doanh nghiệp sẽ làm việc với các ngân hàng trong nước để chuyển đổi khoản vay. Các dự án của công ty triển khai đầu tư thời gian qua hoạt động hiệu quả nên bà Hương cho rằng khả năng đàm phán với ngân hàng để có được lãi suất tốt.

Với phương án tăng vốn, Gemadept đã công bố nghị quyết HĐQT triển khai và đang làm việc với cơ quan quản lý để được chấp thuận thực hiện.

Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên thông qua, doanh nghiệp sẽ phát hành 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền 3:1, vốn điều lệ tăng từ 3.014 tỷ đồng lên 4.018 tỷ đồng.

Tổng số tiền 2.009 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh. Về việc phân bổ số tiền này, công ty sẽ trích 800 tỷ đồng (39,8%) đầu tư vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa; 1.000 tỷ đồng (49,8%) đổ vào CTCP Cảng Cái Mép – Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; và 209 tỷ (10,4%) đồng để mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...