CATL: Ông "vua pin xe điện" bị Mỹ nhắm đến sau Tiktok, nguy cơ thoả thuận "rung chuyển toàn ngành" với Tesla đổ bể
CATL của Trung Quốc đang đối mặt rủi ro từng diễn ra với cả Huawei lẫn Alibaba khi những đế chế này “bị đập” vì tăng trưởng quá nhanh.
Nếu BYD là hãng xe điện hàng đầu tại Trung Quốc và trên thế giới thì CATL lại là ông trùm của mảng ắc quy điện.
Điều đáng ngạc nhiên là tỷ phú Robin Zeng, nhà sáng lập CATL lại là một người ít được công chúng thế giới biết đến khi khởi nghiệp từ một làng chài ven biển miền Đông Nam Trung Quốc. Vào năm 2022, tỷ phú Zeng đã vượt mặt Jack Ma của Alibaba trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc.
Thậm chí, sự bành trướng quá nóng của CATL trong bối cảnh xe điện bùng nổ và Trung Quốc trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới cũng khiến chính quyền Bắc Kinh e ngại với tập đoàn này.
Vào tầm ngắm
Tờ FT cho biết nghị sĩ Marco Rubio đã cáo buộc nhà sáng lập Zeng có liên hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh, qua đó đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế này gia tăng đầu tư cho xe điện.
Lời chỉ trích của ông Rubio cùng nhiều chính trị gia khác được đưa ra ngay sau khi tập đoàn Ford tuyên bố kế hoạch sử dụng công nghệ ắc quy của CATL cho siêu nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD tại bang Michigan. Hãng xe này đang có dự định dùng ắc quy LFP giá rẻ hơn, vốn là lĩnh vực của CATL, cho 2 dòng ô tô điện mới của Ford.
“Siêu dự án của Ford sẽ đem lại 2.500 việc làm cho địa phương, nâng cao đời sống người dân quanh vùng nhưng cũng sẽ khiến các đối thủ địa chính trị của Mỹ tiếp cận gần hơn”, nghị sĩ Rubia ám chỉ Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ FT cho biết CATL cũng đang thảo luận với những doanh nghiệp khác như Tesla của Elon Musk cho các kế hoạch hợp tác dài hơi trong bối cảnh Mỹ chi hàng tỷ USD hỗ trợ phát triển công nghệ xe điện.
Quay lại thỏa thuận của Ford, động thái này diễn ra trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp Mỹ chuyển qua liên doanh với các hãng ắc quy Hàn Quốc để né xung đột thương mại.
Đạo luật chống lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn được xây dựng để thúc đẩy sản xuất, công nghệ trong nước và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc nên việc Ford hợp tác với CATL trở thành đích ngắm cho giới chính trường Mỹ.
Trong khi đó, chuyên gia Tu Le của Sino Auto Insights tại Bắc Kinh nhận định khả năng CATL bắt tay hợp tác với Tesla là rất lớn. Việc 2 ông lớn trong ngành bắt tay nhau sẽ tạo nên tác động cực kỳ lớn cho thị trường Mỹ cũng như thế giới.
“Thỏa thuận này nếu thành công sẽ làm rung chuyển toàn bộ ngành”, cựu giám đốc Vivaswath Kumar của đội ắc quy thuộc Tesla đồng quan điểm.
Cố ẩn mình...
Theo tác giả Henry Sanderson của cuốn “Volt Rush”, nhà sáng lập Zeng của CATL có tính cách rất khác biệt so với những ông trùm công nghệ khác của Trung Quốc. Trong khi Jack Ma của Alibaba trước khi ở ẩn thường thích “truyền tải thông điệp” thì tỷ phú Zeng lại là kiểu người thuần kỹ thuật, sống điệu thấp để không khiến ai chú ý.
Trên thực tế, nhà sáng lập Zeng cùng đội ngũ lãnh đạo của CATL ngay từ những ngày đầu đã tiên đoán đến các yếu tố rủi ro bên ngoài, nhưng gặp đối thủ về kỹ thuật hay bị vướng vào xung đột địa chính trị. Chính vì vậy đội ngũ CATL khá điệu thấp dù đạt được thành công vang dội trong làng ắc quy.
“CATL không thích trở thành tâm điểm. Họ luôn lo lắng sẽ trở thành đối tượng bị nhắm tới và có vẻ như điều đó đã thành sự thật”, tác giả Sanderson nhận xét.
Lo lắng của Zeng là có cơ sở khi Huawei bị Mỹ đưa vào tầm ngắm còn Alibaba thì bị Trung Quốc siết chặt kiểm soát. Những bài học đó còn rất mới và chắc chắn Zeng sẽ không muốn phải đi ở ẩn như Jack Ma hoặc ngậm ngùi nhìn đế chế lụi tàn dần như Huawei.
Trong một thị trường từng bị thống trị bởi Ford, Volkswagen và Toyota thì sự trỗi dậy của CATL được cho là quá nhanh.
Khởi nghiệp tại một vùng quê nghèo với việc sản xuất pin Lithium giá rẻ cho điện thoại, bao gồm cả sản phẩm của Apple lẫn Samsung, nhà sáng lập Zeng đã gây dựng nên cả một đế chế đáng nể.
Vào năm 2011, cái tên CATL chính thức ra đời nhằm tận dụng định hướng của Trung Quốc trong việc chấm dứt sự phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ, giải quyết ô nhiễm không khí bằng cách phát triển xe điện.
Tập đoàn CATL hiện đang cung ứng cho phần lớn các hãng xe điện trên thị trường, từ Tesla, BMW cho đến Volkswagen. Hãng cũng mở rộng nhà máy sản xuất sang cả các thị trường nước ngoài như Đức hay Hungary.
Trong khi đó, hàng loạt chuyên gia Phương Tây như Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ cáo buộc CATL phát triển được như vậy là nhờ sự hỗ trợ và thiên vị của chính quyền Bắc Kinh.
Số liệu của CSIS cho thấy Trung Quốc đã chi đến 60 tỷ USD trong khoảng 2009-2017 cho ngành xe điện. Con số này tăng thêm 66 tỷ USD trong khoảng 2018-2021.
Hiện quy mô của CATL đã lớn đến mức chẳng đối thủ nào, kể cả hãng xe điện lớn nhất thế giới BYD, có thể đe dọa nổi.
Nghiên cứu của Bernstein cho thấy chi phí sản xuất ắc quy của Trung Quốc sẽ giảm từ 60 triệu USD/GWH hiện nay xuống còn 50 triệu USD/GWH trong những năm tới.
Con số này thấp hơn rất nhiều so với 120 triệu USD/GWH của các nhà máy ắc quy tại Châu Âu và mức 78 triệu USD/GWH bình quân trên toàn cầu trong 10 năm tới.
Những sản phẩm ắc quy Lithium của CATL cũng rẻ hơn nhiều so với những ắc quy giàu Nikel đến từ đối thủ Hàn Quốc như LG, SK hay Samsung.
Ngoài ra, vị vua không ngai này còn vượt trội so với các đối thủ LG của Hàn Quốc về khoản đầu tư. Số liệu của Dealogic cho thấy CATL đã chi hơn 4,5 tỷ USD cho việc mua lại và sáp nhập (M&A) trong 5 năm qua, trải rộng từ mảng khai khoáng cho đến công nghệ sạc pin.
Tờ FT nhận định quy mô quá lớn của CATL đã khiến đến chính Trung Quốc cũng phải dè chừng khi có tín hiệu cảnh báo.
Vào đầu tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhà sáng lập Zeng trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh, qua đó bày tỏ lo ngại về việc CATL đang thống trị độc quyền thị trường quá mức.
Việc CATL tăng trưởng quá nóng dẫn đến những lo lắng về nguy cơ xì hơi bong bóng như đã từng diễn ra với ngành bất động sản và năng lượng mặt trời tại Trung Quốc.
Giới truyền thông quốc gia Trung Quốc cũng trích dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc nên ban hành những chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành.
Chỉ vài ngày sau đó, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã ban hành hướng dẫn không chính thức nhằm yêu cầu CATL giảm quy mô huy động vốn từ 5 tỷ USD theo kế hoạch xuống còn 1 tỷ USD trong một dự án lên sàn thông qua công ty thứ cấp ở Thụy Sĩ.
Nguồn tin của FT cho biết hướng dẫn trên đã khiến kế hoạch lên sàn của công ty thứ cấp này phải tạm hoãn.
“Liệu việc CATL quá lớn có phải là điều tốt cho Trung Quốc? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đang suy xét rất thận trọng”, nhà sáng lập Bill Russo của hãng tư vấn Automobility đánh giá.
Bài học Jack Ma và Alibaba vẫn còn đó và chắc chắn nhà sáng lập Zeng không muốn đi theo vết xe đổ. Tuy nhiên việc CATL tiến quân vào thị trường Mỹ lại có thể biến tập đoàn này thành Huawei thứ 2.
“Họ hoàn toàn có thể vùi dập CATL nếu muốn như đã từng làm với Huawei”, giáo sư Daniel Chng của trường đại học CEIBS tại Thượng Hải nhận định.
Lịch sử trỗi dậy của CATL
- Năm 1968: Nhà sáng lập Zeng Yuqun được sinh ra trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa. Ông lấy bằng tiến sĩ vật lý tại Học viện khoa học hàn lâm Trung Quốc ở Bắc Kinh.
- Thập niên 1980-1990: Zeng rời một công ty quốc doanh tại Fujian để đến làm cho hãng điện tử SAE Magnetics-Hong Kong.
- Năm 1999: Zeng sáng lập ATL chuyên sản xuất pin giá rẻ cho điện thoại di động.
- Năm 2011: Zeng thành lập CATL.
- Năm 2017-2018: CATL phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng mức vốn hóa 853 triệu USD, trở thành hãng ắc quy cho xe điện lớn nhất thế giới.
- Năm 2020: CATL phát triển sản phẩm ắc quy chạy được “hàng triệu dặm” (1 mile tương đương 1,6km) và hợp tác cung ứng ắc quy cho Tesla.
- Năm 2022: Zeng vượt mặt Jack Ma của Alibaba trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc
- Năm 2023: CATL tiến quân thị trường Mỹ với nhà máy của Ford. Hãng tin Bloomberg đưa tin CATL đang thương thảo để tiến vào nhà máy của Tesla tại Mỹ.
*Nguồn: FT
Theo Băng Băng
Nhịp sống thị trường