• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

16 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nắm giữ tổng cộng 375.000 tỷ đồng tiền mặt

Tại thời điểm 30/06/2022, có ít nhất 16 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

 

16 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nắm giữ tổng cộng 375.000 tỷ đồng tiền mặt

Trong quá trình đầu tư, nhiều nhà đầu tư luôn tìm kiếm các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào trên bảng cân đối kế toán. Bởi họ cho rằng doanh nghiệp có thể có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư khi có nhiều tiền mặt.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nắm rõ được nguồn hình thành các khoản tiền mặt cho doanh nghiệp, loại hình công ty hay các kế hoạch mà nhà quản trị theo đuổi sẽ giúp bản thân có sự phán đoán chính xác hơn.

Trên sàn chứng khoán, thống kê cho thấy sau 2 năm Covid, nhiều doanh nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, bên cạnh đó là tăng quy mô nợ. Cụ thể, tổng lượng tiền mặt của các doanh nghiệp trong top nắm giữ tiền nhiều nhất sàn chứng khoán tại thời điểm 31/12/2021 tăng 73.000 tỷ so với cuối năm 2020 và tăng 133.0000 tỷ so với giai đoạn 2019.

Mùa BCTC bán niên sôi động sắp kết thúc, các "đại gia" nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) cũng dần lộ diện với những cái tên không còn xa lạ với nhà đầu tư như HPG, VIC, GAS, ACV, FPT, BSR, VNM, SAB,….

Tại thời điểm 30/06/2022, dữ liệu thống kê cho thấy có ít nhất 16 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 16 doanh nghiệp này lên đến 375 nghìn tỷ đồng, tương đương 16,2 tỷ USD, tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

16 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nắm giữ tổng cộng 375.000 tỷ đồng tiền mặt, Hòa Phát giữ vững ngôi vương - Ảnh 1.

Theo dữ liệu thống kê, vị trí "ông vua tiền mặt" trên sàn chứng khoán thuộc về Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng tại thời điểm 30/6/2022 đạt gần 44.770 tỷ đồng; tăng 4.000 tỷ so với đầu năm. Tuy có sự sụt giảm đôi chút so với cuối quý 1/2022, giảm 1.500 tỷ đồng, tiền mặt của HPG vẫn là một con số "khổng lồ".

Doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt thứ hai là Vingroup (mã VIC) với 44.470 tỷ đồng thời điểm cuối quý 2/2022, tăng mạnh gần 23.000 tỷ, gấp đôi so với lượng tiền mặt đầu năm.

Tương tự, những doanh nghiệp nắm giữ trên 1 tỷ USD tiền và tương đương tiền là PV GAS (mã GAS), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV), Tập đoàn FPT (mã FPT), Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR), và Vinamilk (mã VNM) đều gia tăng nắm giữ tiền mặt trong 6 tháng đầu năm.

Chiều ngược lại, lượng tiền mặt cuối kỳ của Tập đoàn Masan (mã MSN) giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022, đạt 10.360 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2022 trong khi cuối năm 2021, con số này lên tới 22.640 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn là Sabeco (20.950 tỷ), Novaland (17.700 tỷ), Petrolimex (16.520 tỷ), Tập đoàn Cao su (GVR 15.970 tỷ), VGI (15.930 tỷ), MWG (15.220 tỷ)…

Lãi từ tiền gửi hàng trăm tỷ đồng

Thực tế, tiền mặt luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực nhất định về dòng tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ vay.

Do đó, việc sở hữu lượng tiền mặt "khủng" không chỉ giúp đảm bảo tính thanh khoản giảm rủi ro tài chính, trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, tiền lãi từ gửi ngân hàng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Xét về cơ cấu, các "đại gia" tiền mặt thường giữ phần lớn lượng tiền dưới dạng tiền gửi ngắn hạn để nhận lãi suất cao hơn so với không kỳ hạn, và có thể sẵn sàng dùng để trang trải cho hoạt động kinh doanh.

Trong đó, ACV có một lượng tiền gửi vượt trội so với phần còn lại với số dư thời điểm 30/6/2022 lên đến 31.421 tỷ đồng. Khoản tiền gửi "khổng lồ" này mang về cho ACV hơn 776 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.

Theo sau, PV Gas có lượng tiền gửi 27.620 tỷ đồng cũng mang về 539 tỷ đồng tiền lãi từ tiền gửi và tiền cho vay trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, lãi tiền gửi của FPT thu về thậm chí còn cao hơn với 689 tỷ đồng dù lượng tiền gửi của FPT nắm giữ ít hơn, chỉ ở mức 21.520 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu ngành sữa Vinamilk cũng thu lợi 585 tỷ đồng lãi tiền gửi khi nắm giữ 18.980 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Thời điểm gần đây, các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất lên đáng kể. Điển hình, VPBank mới ra thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 1/8: "Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng tăng đến 0,4 điểm % lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến 8 tháng với số tiền gửi dưới 300 triệu đồng". 

Bởi vậy, những "đại gia nhiều tiền nhất sàn chứng khoán" được cho rằng tiếp tục hưởng lợi từ lãi suất tăng khi duy trì lượng tiền gửi cao tại ngân hàng. Song, cũng cần lưu ý rằng không ít các doanh nghiệp cũng vay nợ từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ và đương nhiên tiền lãi vay cũng “ngốn” cả trăm tỷ mỗi quý. Vậy nên chưa thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả doanh nghiệp trên đều sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất huy động được tăng thêm.

https://cafef.vn/16-doanh-nghiep-tren-san-chung-khoan-nam-giu-tong-cong-375000-ty-dong-tien-mat-hoa-phat-giu-vung-ngoi-vuong-20220803002236935.chn

Kiều Anh

Theo Nhịp sống kinh tế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...