"Ông lớn" Trung Quốc muốn làm nhà máy thủy điện tại Quảng Trị, công suất vượt mặt Thủy điện Trị An
Doanh nghiệp Trung Quốc này có mặt ở năm tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hải Nam và được kết nối với lưới điện ở Hồng Kông, Ma Cao và các nước Đông Nam Á.
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSGI) và Tổng Công ty phát điện 2 về thực hiện dự án năng lượng tại Quảng Trị.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CSGI thông tin một số nội dung về việc dự kiến triển khai đầu tư Nhà máy Thủy điện tích năng tại Quảng Trị với công suất 500 MW và những hiệu quả khi đầu tư dự án này.
Theo đó, việc xây dựng nhà máy thủy điện tích năng đã được đơn vị tư vấn đánh giá tính khả thi và hiệu quả mang lại, không chỉ ổn định lưới điện quốc gia, tạo điều kiện cho các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn được phát điện liên tục, mang lại nguồn thu nhập lớn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị. Từ đó, phía công ty rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Trước đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Công ty CSGI phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ khảo sát, nghiên cứu các bước tiếp theo của dự án.
Dự án Nhà máy Thủy điện tích năng tại Quảng Trị mà Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc và Tổng Công ty phát điện 2 muốn nghiên cứu, đầu tư thực hiện tại Hồ chứa Thủy điện Quảng Trị, thuộc thuộc địa phận xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Nhà máy Thủy điện tích năng tại Quảng Trị dự kiến có công suất 500MW, phát trong 7 giờ liên tục; cột nước phát điện khoảng 280m; dung tích hữu ích hồ trên khoảng 5,5 triệu m3. Với công suất này, nhà máy điện tích năng tại Quảng Trị "vượt mặt" cả Nhà máy thủy điện Trị An hiện nay (400MW).
Theo kế hoạch, tiến độ đầu tư, xây dựng dự án khoảng 7 năm (2 năm chuẩn bị, 5 năm xây dựng công trình). Thời gian xây dựng dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2030.
Về phía Công ty TNHH Lưới điện phương Nam Trung Quốc, đây là một doanh nghiệp trọng yếu do Trung ương quản lý và Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) Trung Quốc làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Công ty Lưới điện phương Nam có mặt ở năm tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hải Nam và được kết nối với lưới điện ở Hồng Kông, Ma Cao và các nước Đông Nam Á, với diện tích cung cấp điện là 1 triệu km2, cấp điện cho 272 triệu người và 113 triệu hộ gia đình.
Năm 2022, phụ tải lớn nhất toàn mạng lưới là 223 triệu KW, tăng 3,05%; tổng điện năng tiêu thụ của 5 tỉnh phía Nam là 1.474,6 tỷ KW, tăng 1,65%; điện năng phi hóa thạch chiếm 52,01%.
Công ty đã tích cực thực hiện sáng kiến "Vành đai, Con đường". Với tư cách là đơn vị điều hành của Trung Quốc trong Hợp tác Điện lực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng do Hội đồng Nhà nước xác định, công ty đã không ngừng tăng cường kết nối với lưới điện của các nước láng giềng, trao đổi hợp tác quốc tế.
Tính đến hết năm 2022, sản lượng điện công ty đã giao cho Việt Nam là 40,212 tỷ kWh điện, Lào là 1,228 tỷ kWh, mua điện từ Myanmar là 23,279 tỷ kWh và giao điện cho Myanmar là 4,969 tỷ kWh.
Thủy điện tích năng là gì? Việt Nam có định hướng phát triển?
Thủy điện tích năng gồm 2 hồ chứa nước ở 2 cao độ khác nhau và 1 nhà máy thủy điện với tua bin thuận nghịch nằm ở gần hồ chứa bên dưới, nối với hồ chứa bên trên bằng đường ống áp lực.
Theo thông tin từ Tạp chí năng lượng Việt Nam, phát triển thủy điện tích năng không làm tăng thêm sản lượng điện năng cho hệ thống, mà nhiệm vụ chính là phủ đỉnh biểu đồ phụ tải, góp phần làm giảm sự chênh lệch (làm phẳng) biểu đổ phụ tải bằng việc huy động công suất bơm ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm.
Trong giờ cao điểm, thủy điện tích năng vận hành như nhà máy thủy điện bình thường bằng cách lấy nước từ hồ chứa bên trên, chảy qua đường ống áp lực, làm quay tua bin để phát điện lên hệ thống, nước xả xuống hồ dưới. Vào giờ thấp điểm, thủy điện tích năng làm việc như một trạm bơm, dùng điện bơm nước từ hồ dưới ngược lên hồ trên.
Các nước phát triển thủy điện tích năng nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu, Úc, Nam Đông Á và Mỹ. Lưu trữ bằng thủy điện tích năng trên thế giới hiện chiếm hơn 95% tất cả các dạng lưu trữ năng lượng hiện nay.
Theo Quy hoạch điện VIII, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện đã được quy hoạch, xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, thủy điện cột nước thấp, mở rộng công suất các nhà máy thủy điện đang vận hành, nhà máy điện thủy triều và thủy điện tích năng. Dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 2.836,9 MW thủy điện (mở rộng, xây mới) và 3.600 MW thủy điện tích năng.
Kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thủy điện tích năng của nước ta cho thấy, có 9 địa điểm có thể xây dựng, khai thác thủy điện tích năng, với tổng công suất 12.500 MW.
Công trình Thủy điện tích năng Bác Ái công suất 1.200 MW là nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam. Dự án xây dựng tại xã Phước Hòa và Phước Tân, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, khởi công xây dựng đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Thuỷ điện tích năng Bác Ái năm trên địa bàn 2 xã Phước Tân và Phước Hoà huyện Bác Ái; chủ đầu tư là Tập đoàn điện lực Việt Nam; công suất lắp máy: 1.200MW, với 4 tổ máy, mỗi tổ 300MW.
Công trình sử dụng nguồn nước của hồ Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ làm hồ dưới. Nước được bơm từ hồ dưới lên hồ trên tích nước để phát điện thông qua 2 tuyến đường hầm song song có đường kính thay đổi từ 5,5m đến 7,5m, với tổng chiều dài mỗi tuyến hầm hơn 2.700m.
Theo Pha Lê