"Cơn đau đầu" của Tiki: Đang bị Shopee và TikTok Shop bỏ xa, Temu lại lăm le vào Việt Nam, niềm hi vọng cuối của doanh nghiệp Việt có bị đại gia ngoại "nuốt chửng"?
Tiki đang là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trong các sàn TMĐT nhưng họ đang bị ‘bỏ lại phía sau’ trong cuộc chiến khốc liệt nhất trên thương trường ở thời điểm hiện tại. Tiki đã bị Shopee, TikTok Shop vượt xa khi trực tiếp đối đầu. Khi Temu đang lăm le vào thị trường Việt Nam, liệu 1,3% thị phần GMV của Tiki sẽ ra sao?
Temu – biểu tượng TMĐT giá rẻ của Trung Quốc và thế giới
Ở thị trường Trung Quốc trước đây, nói tới đồ giá rẻ người ta sẽ nghĩ ngay đến Taobao – sàn TMĐT C2C của Alibaba. Thậm chí, Taobao không còn là danh từ mà còn trở thành một tính từ, khi ai đó nói ‘đồ Taobao’ tức là các sản phẩm giá siêu rẻ nói chung mà không cần phải là hàng mua trên Taobao.
Sau vài chục năm phấn đấu, Taobao và Tmall (B2C) đều thuộc Alibaba và JD.com của Tencent đã dịch chuyển dần từ các mặt hàng bình dân lên các sản phẩm cao cấp hơn, khi bán các mặt hàng Apple, L'Oreal hay Estee Lauder. Rồi đột nhiên, Douyin Shop - ByteDance và Pindoudou xuất hiện, trở thành ‘những Taobao’ phiên bản mới.
Hiện tại, Alibaba và JD.com vẫn chiếm phần lớn thị phần TMĐT ở Trung Quốc, nhưng sự tăng trưởng vượt bậc của những hậu bối như Xiaohongshu, Pindoudou hay Douyin Shop trong khoảng 3 năm trở lại đây khiến cả hai không thể không dè chừng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cũng là động lực lớn giúp những sàn TMĐT giá rẻ như Pindoudou phát triển thần tốc.
Cũng mang trong mình dòng máu ưa phiêu lưu mạo hiểm và thích chinh phục thế giới như Alibaba, cả ByteDance - Douyin Shop và Pindoudou đều nhanh chóng xuất ngoại với 2 phiên bản quốc tế tương ứng là là TikTok Shop và Temu.
Thế mạnh lớn nhất ở Temu của Pindoudou chính là giá rẻ, tất cả các sản phẩm trên sàn này thường có giá rẻ nhất nhì thị trường. Bạn cứ tưởng tượng thế này: với lợi thế là ‘công xưởng thế giới’, hàng hóa ở Trung Quốc luôn rẻ so với phần còn lại của thế giới, mà hàng trên Pindoudou còn rẻ nhất Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ cũng cố gắng miễn phí vận chueyenr cho khách hàng và khuyến khích khách hàng mua chung để được giảm phí vận chuyển.
Pindoudou - Temu đã học theo mô hình kinh doanh của Shein – họ là trung gian duy nhất giữa người sản xuất đầu vào và người tiêu dùng đầu cuối. Trong khi Shein chủ yếu hoạt động ở mảng thời trang, thì Pindoudou – Temu áp dụng mô hình này cho tất cả các mặt hàng mà họ kinh doanh, từ thời trang, điện tử, mỹ phẩm và cả hàng gia dụng. Vậy nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Temu và Shein thường lôi nhau ra tòa ở thị trường quốc tế.
Tiki sẽ như thế nào khi Temu vào Việt Nam?
Trong năm 2022, khi thấy đồng hương TikTok Shop bắt đầu thử nghiệm bán hàng ở thị trường Mỹ, Pindoudou cũng gia nhập cuộc chơi khi ra mắt sàn TMĐT Temu tại đây. Tháng 2/2023, Temu đã xuất hiện hoành tráng ở Super Bowl, báo hiệu hành trình chinh phục thế giới của một thế lực mới từ Trung Quốc bắt đầu.
Vào tháng 4/2023, Temu đặt chân tới thị trường Úc và New Zealand sau đó đến châu Âu ở Pháp, Đức, Ý… Tháng 1/2024, Temu xuất hiện ở Nam Phi – châu Phi. Temu cũng đã có mặt ở các thị trường trọng điểm ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tính đến tháng 10/2024, Temu đã và đang hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Temu chính thức gia nhập thị trường Đông Nam Á khi vào Philippines tháng 8/2023 và hiện họ đã có mặt ở các thị trường lớn khác như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei. Chắc chắn Temu rất muốn vào Indonesia – đất nước đông dân nhất ASEAN, nhưng đây sẽ là một bài toán khó với tân binh này khi Chính Phủ Indonesia đã rào đón trước là sẽ không chào đón sự xuất hiện của Temu.
Trước đây, TikTok Shop từng mon men vào Indonesia nhưng đã bị cấm, lý do là Indonesia muốn bảo vệ những doanh nghiệp startup và SMEs. Hay nói chính xác hơn là bảo vệ Tokopedia – trang TMĐT lớn nhất nước này và là niềm tự hào của người Indonesia.
Vào năm 2021, hai ‘kỳ lân’ Tokopedia và Gojek đã sáp nhập thành GoTo nhằm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ của Indonesia trên trường quốc tế. Vào tháng 12/2021, GoTo đã thành công IPO trên sàn chứng khoán Indonesia. Để có thể tham gia thị trường TMĐT Indonesia, ByteDance đã hỏi mua lại 75% cổ phần của Tokopedia.
Nhờ sự bảo hộ chặt chẽ của Chính phủ Indonesia, Tokopedia vẫn sống tốt bất chấp các thế lực mới xuất hiện. Theo báo cáo "Thương mại điện tử tại Đông Nam Á năm 2024" của Momentum Works, dù chỉ hoạt động ở thị trường Indonesia, Tokopedia vẫn có GMV chiếm 16,3% thị trường Đông Nam Á trong năm 2023. Shopee vẫn là ông trùm ở khu vực này với 55,1%, Lazada chiếm 18,8% và Tokopedia cùng TikTok Shop chiếm 16,3%.
Ngược lại, Tiki không may mắn như thế. Cứ mỗi khi thị trường Việt Nam xuất hiện người chơi mới, thị phần của Tiki lại giảm xuống. Trước khi Shopee xuất hiện năm 2016, thì thị trường sàn TMĐT ở Việt Nam chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Lazada và Tiki. Bằng cách đổ rất nhiều tiền vào khuyến mại và miễn phí vận chuyện cho cả người bán lẫn người mua, chỉ trong vỏn vẹn hơn 2 năm, Shopee đã đánh bại cả Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường.
Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35%, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Điều này khiến thị phần của Lazada cũng từ mức trên 30% trước đó xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%.
Càng những năm sau, khoảng cách giữa Tiki và Shopee càng nới rộng đáng kể.
Trước khi TikTok Shop xuất hiện, theo Metric.vn, dựa trên dữ liệu Big Data của người tiêu dùng trong 6 tháng (từ 11/2021-5/2022) cùng tổng doanh số 4 sàn phổ biến tại Việt Nam: Shopee chiếm 73% thị phần, Lazada là chiếm 20% thị phần, Tiki và Sendo lần lượt chiếm 5,8% và 1,4%.
Giữa năm 2022, TikTok Shop chính thức vận hành tại Việt Nam và bằng thế mạnh livestream, họ cũng đã nhanh chóng bứt tốc lên kèn cựa với Shopee. Lazada và Tiki ngày càng thụt lùi về thị phần, còn Sendo gần như biến mất khỏi bản đồ các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam.
Số liệu từ Metric gần nhất cho thấy, doanh số quy mô 5 sàn TMĐT nêu trên trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 143.900 tỷ đồng, tăng trưởng 54,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng áp đảo của hai sàn Shopee và TikTok Shop. Và đây cũng là hai sàn có tăng trưởng về doanh số, trong khi ba sàn còn lại "đi lùi".
Cụ thể hơn: nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; TikTok Shop có 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần; Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Còn theo thống kê của YouNet ECI, trong quý II/2024, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok Shop (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.
Điều đáng buồn hơn nữa, cả Shopee, TikTok Shop và Lazada đều đã thông báo về việc có lợi nhuận; trong khi Tiki vẫn lỗ.
Theo Vietdata, năm 2023, doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 70% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 1.400 tỷ đồng, cao nhất trong các sàn nhưng lại giảm khoảng hơn 50% so với năm 2022. Năm 2023, TikTok Shop đạt doanh thu thuần gần 890 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế là 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2022.
Tháng 8/2024, theo một nguồn tin thân cận, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) hàng tháng của Lazada đã chuyển từ âm sang dương vào tháng 7/2024.
Phần Tiki, dữ liệu của Tech in Asia thể hiện, tổng doanh thu trong năm tài chính 2022 của Tiki ghi giảm 7% so với năm ngoái, xuống dưới ngưỡng 200 triệu USD. Trừ đi chi phí, Tiki báo lỗ 93 triệu USD năm 2022, tăng 39% so với năm 2021. Tiki chưa lần nào thông báo là đã hòa vốn hoặc bắt đầu có lời như các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam
Vào tháng 11/2021, Tiki đã hoàn thành vòng gọi vốn series E trị giá 258 triệu USD, do AIA Group Limited dẫn đầu, với mức định giá tiệm cận 1 tỷ USD. Vào 2022, Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) đã chọn Tiki làm đối tác chiến lược tại Việt Nam và mua 10% cổ phần – được đồn đoán trị giá tầm 90 triệu USD. Trong vài năm gần đây, Tiki không ít lần bày tỏ muốn IPO ở Việt Nam, Singapore hoặc Mỹ; song họ chưa có bất cứ động thái nào cụ thể.
Để biết được sự xâm chiếm thần tốc của những sàn TMĐT giá rẻ như Temu khủng khiếp như thế nào, chúng ta hãy nhìn vào tiến trình của TikTok Shop ở khu vực Đông Nam Á. Cũng theo báo cáo của Momentum Works, năm 2021 TikTok Shop chỉ chiếm 0,6% GMV trên sàn TMĐT ở khu vực Đông Nam Á, nhưng tới năm 2023, tay đua này đã chiếm tới 16,3%; kéo theo đó khiến thị thần của Lazada cũng có sự thụt lùi nhẹ.
Bằng chính sách giá rẻ kịch sàn, sự nhạy cảm với các xu hướng tiêu dùng kết hợp cùng nội dung giải trí đa dạng, Shein – TikTok Shop – Temu đang khiến cả thế giới e ngại, ngay cả đó là thị trường Mỹ và Amazon.
Sau khi thương vụ sáp nhập với Tiki bị bất thành vào năm 2020, Sendo dường như đã chấp nhận rời chiến trường chính để định vị mình thành “Chợ người Việt giá bình dân”. Nhưng nói về giá rẻ thì khó ai có thể vượt qua được hàng hóa từ Trung Quốc.
Cũng có thông tin rằng, Temu sẽ mua lại một sàn TMĐT của Việt Nam như cách đã làm ở Indonesia, số phận của doanh nghiệp Việt ít ỏi còn lại trên sàn TMĐT liệu sẽ ra sao?
Theo Quỳnh Như