Tính năng mới gây tranh cãi: iPhone sẽ tự khởi động lại sau 4 ngày không sử dụng
Tính năng này được Apple ứng dụng để chống trộm cắp hay tội phạm thâm nhập vào chiếc điện thoại, vì khi máy khởi động lại, người dùng sẽ phải nhập lại passcode để mở khóa.
Trên lý thuyết, khi chiếc iPhone được để yên 4 ngày liên tục, không có động thái sử dụng máy, Inactivity Reboot sẽ được kích hoạt. Khoảng thời gian này, theo Apple, là đủ dài để không gây khó chịu cho người dùng, nhưng là đủ ngắn để tội phạm không còn muốn trộm những chiếc iPhone để ăn trộm dữ liệu cá nhân của người dùng hay chiếm đoạt tài khoản ngân hàng nữa.
Tuy nhiên, theo 404 Media, những người vô tình bị ảnh hưởng bởi tính năng Inactivity Reboot chính là cảnh sát, những thám tử điều tra và những cơ quan điều tra, với những chiếc iPhone trong tay họ, cùng những dữ liệu trong máy là bằng chứng phục vụ quá trình điều tra. Từ tuần trước, đã bắt đầu có những trường hợp iPhone được cảnh sát Mỹ thu giữ phục vụ điều tra tự động khởi động lại mà không có cách nào ngăn lại được.
Tại sao iPhone khởi động lại trở thành điều làm khó các cơ quan điều tra? Bảo mật của iPhone, bên cạnh những giải pháp và hàng rào bảo vệ khác, được chia thành hai dạng: Before First Unlock và After First Unlock , tức là trước và sau khi nhập passcode mở khóa máy lần đầu tiên sau khi thiết bị khởi động lại. Reboot chiếc iPhone sẽ đưa nó về trạng thái BFU, và ở trạng thái này, các điều tra viên sẽ rất khó can thiệp vào máy để lấy dữ liệu bên trong.
Cách đây vài ngày, Inactivity Reboot mới được tiến sĩ Jiska Classen, nhà nghiên cứu bảo mật của viện Hasso Plattner phát hiện ra, dưới dạng một tính năng được Apple âm thầm đưa vào iOS 18.1.
Về phần Apple, từ trước tới nay, nhà Táo thường không ủng hộ các cơ quan điều tra và cảnh sát can thiệp, bẻ khóa những chiếc iPhone dù là để phục vụ quá trình điều tra chống tội phạm. Các cơ quan hành pháp thực tế cũng không thiếu những giải pháp để bẻ khóa điện thoại.
Theo PV