Định danh tài khoản người dùng mạng xã hội
Tình trạng nội dung xấu xí, độc hại cho cộng đồng trên mạng xã hội (MXH) sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu như áp dụng cơ chế định danh tài khoản người dùng MXH. Khi tài khoản gắn với đích danh cá nhân mình, người dùng ắt "lên mạng" cẩn trọng hơn và có trách nhiệm hơn.
Trên thực tế, nhà nước định danh điện tử mỗi công dân để phục vụ việc quản lý đất nước và thực hiện các dịch vụ trên nền tảng số thì đời ảo lại càng phải có định danh từng người dùng để tránh "nhiễu nhương".
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất biện pháp định danh người dùng MXH bằng chính số điện thoại di động mà người đó sở hữu và dùng để đăng ký tài khoản. Biện pháp này đã được bộ bổ sung vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Thật ra, yêu cầu định danh người dùng MXH đã được đưa ra từ lâu. Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 có quy định MXH (nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại của chủ tài khoản. Ngoài ra, các MXH hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Các tài khoản chưa định danh chỉ được xem nội dung đơn thuần.
Theo giới chuyên môn, việc định danh tài khoản người dùng MXH bằng số điện thoại di động là khả thi. Nó sẽ pháp lý hóa và giúp thực thi hữu hiệu hơn đối với quy định định danh người dùng. Thực tế hiện nay, nhiều MXH lớn đã gắn tài khoản người dùng với số điện thoại đăng ký. Một số MXH như Facebook cho người dùng tùy chọn đăng ký bằng số điện thoại hay email. Tất nhiên, để làm được điều này, mấu chốt vẫn là sự đồng lòng, đồng bộ của cả cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ lẫn người dùng.
Theo Ngô Lê
Người lao động