ChatGPT chỉ có vẻ có suy nghĩ giống người
Thay vì cấm sử dụng, thành phố Geneva ở Thụy Sĩ đã chọn cách ứng phó với công cụ này, bằng cách tổ chức các khóa đào tạo về ChatGPT cho các thầy cô giáo.
Trước tâm trạng sửng sốt của lực lượng giáo viên đối với sự ra mắt của ChatGPT , các khóa đào tạo của thành phố Geneva (Thụy Sĩ) cung cấp kiến thức và các phương thức giúp các thầy cô đối phó với công cụ tưởng như là biết tuốt này.
Cô giáo Silvia Antonuccio - Thành phố Geneva, Thụy Sĩ nói: "… Nói thật là tôi không thể phân biệt được bài viết của người và của ChatGPT".
Các chuyên gia cho hay, không thể trông chờ đến một ngày sẽ có một ứng dụng nào đó có thể phát hiện được sản phẩm của ChatGPT, bởi không có công cụ nào hiệu quả 100% được. Tuy nhiên, vẫn có cách để giáo viên có thể phát hiện chỗ nào trong bài làm của học sinh là sản phẩm của ChatGPT.
Theo kinh nghiệm, đến nay ChatGPT chỉ có vẻ có suy nghĩ giống người, chứ nó chỉ là một công cụ đoán ý người dùng, sản xuất ra những nội dung dựa theo ý hỏi của người dùng. Vậy nên, nếu người dùng đưa ra câu hỏi dựa trên một giả thiết sai lầm thì ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời có vẻ logic nhưng sai hoàn toàn.
Và thế là ít nhất trong khóa đào tạo này, các thầy cô ở đây đã học được một cách để phát hiện việc học sinh - sinh viên sử dụng ChatGPT.
Theo Giáo sư Karim Aboun - Thành phố Geneva, Thụy Sĩ: "Vậy thì chúng ta có thể đặt một câu hỏi nghe có hợp lý nhưng thực ra có chứa thông tin sai để xem sinh viên có dùng ChatGPT để làm ra câu trả lời không".
Phần mềm ChatGPT của công ty Mỹ OpenAI đã được xây dựng từ hàng tỉ từ và vô vàn dữ liệu, khiến nó có khả năng sản xuất ra những lời lẽ y hệt con người, kể cả những bài luận. Có thông tin sản phẩm của ChatGPT đã đạt được điểm cao ở một số cơ sở giáo dục, thậm chí vượt qua được kỳ thi ở một trường đại học luật ở Mỹ.
Theo Vân Anh
VTV News