|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển công nghiệp: Cần sớm giải quyết các điểm nghẽn

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần tập trung hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp phát triển thông qua giải quyết các điểm nghẽn về công nghiệp phụ trợ, tự chủ về vật liệu, linh kiện và chi tiết thiết yếu…

Tính tự chủ thấp, công nghệ lạc hậu

Báo cáo tổng kết đánh giá 10 năm phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2011 – 2020 cho thấy, quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng và tăng cao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019; giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tăng từ 867,64 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.108,16 nghìn tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, song cả chỉ số IIP và giá trị gia tăng vẫn duy mức tăng khoảng 3%. 8 tháng đầu năm 2021, dù kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn do Covid-19 nhưng IIP vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù có sự phát triển nhưng báo cáo cũng chỉ rõ những nguy cơ đối với lĩnh vực công nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tốc độ tăng suất lao động trong các ngành công nghiệp thấp hơn mức tăng của toàn nền kinh tế, ngành nông nghiệp, dịch vụ; đặc biệt, trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Phát triển công nghiệp: Cần sớm giải quyết các điểm nghẽn
Đổi mới quy trình sản xuất theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu

Tính tự chủ của ngành công nghiệp thấp, phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, phụ thuộc vào nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào, dẫn đến giá trị gia tăng tạo ra trong nước thấp. Số liệu thống kê về xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2011 – 2020 cho thấy, tỷ trọng nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng từ 88,6% năm 2011 lên 91,5% năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 17% năm 1995 lên 70,1% vào năm 2020. Liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước rất yếu. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, đạt 10% nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp xuất khẩu.

Công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp lạc hậu, phân bố không gian của các ngành công nghiệp không phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương. "Chưa hình thành được các mô hình cụm ngành công nghiệp, đặc biệt là các cụm ngành chuyên môn hóa để liên kết phát triển chuỗi giá trị các ngành công nghiệp nhằm nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu"- báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp xuất khẩu chế biến, chế tạo như: Dệt may, da giày, điện tử chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Công nghiệp, tiêu dùng chưa thân thiện với môi trường. Chính sách tăng trưởng ngắn hạn kìm hãm phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.

Hình thành nền tảng bền vững

Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định cần tập trung hình thành nền tảng bền vững cho công nghiệp. Trên cơ sở, phát triển bệ đỡ cho phát triển công nghiệp chế tạo, hướng đổi mới sáng tạo vào việc chế tạo các sản phẩm có tính năng và chất lượng ưu việt trên cơ sở thiết lập năng lực mới về tích hợp thiết kế và tích hợp hệ thống. Khởi động và đẩy nhanh thông minh hóa công nghiệp chế tạo nhằm tạo động lực phát triển thị trường công nghệ và thiết bị thông minh phục vụ chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp thông minh; tạo dựng nền tảng phát triển công nghiệp như tiêu chuẩn hóa sản xuất chế tạo thông minh, chiến lược sản xuất linh kiện điện tử, phát triển các phần mềm lõi phục vụ sản xuất công nghiệp.

Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để đưa ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như: Công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững.

Ngoài ra, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược sản xuất tại Việt Nam kết hợp với công nghệ Việt; tạo lập các cực phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cấp, chuyển đổi công nghiệp chế tạo theo hướng thông minh, xanh, giá trị gia tăng cao.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vào chuyển đổi và nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp nặng; thay thế, chuyển đổi, nâng cấp công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả thông qua chương trình hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất theo hướng xanh, hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu.

Bộ Công Thương định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Cơ khí, năng lượng, hóa chất, thép, thiết bị điện… một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…

Lan Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết