|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm

Với tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện mở cửa lại hoạt động của nền kinh tế, sản xuất, đây là những yếu tố quan trọng để lấy lại đà tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm.

Quý 3/2021 tín dụng tăng trưởng thấp

Tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến tháng 9/2021 đạt 3.042 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó vốn huy động bằng VNĐ đạt 2.685 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,3% tổng vốn huy động, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 14,5% so cùng kỳ 2020; Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 357 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng vốn huy động, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 5,3% so cùng kỳ.

TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát

Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố tính đến tháng 9/2021 đạt 2.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính riêng quý 3/2021, tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 0,76% so với quý 2, thấp nhất so với các quý trong năm 2021. Trước đó, quý 1/2021, tín dụng trên địa bàn ghi nhận tăng 2,42%, sang quý 2 tăng 3,1%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, việc tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng chậm lại trong quý 3 là do đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội, cộng thêm việc áp dụng giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Cũng trong quý 3/2021, tình hình dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp nên liên tục phát sinh nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng báo cáo đóng cửa phòng giao dịch, tạm ngừng hoạt động do có liên quan đến các ca nghi nhiễm hoặc khu vực đặt trụ sở bị phong tỏa. Việc tổ chức hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hạn chế đi lại, hạn chế về số lượng giấy đi đường được cấp phát… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng và việc tiếp cận giải ngân các khoản cho vay mới, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm

Với tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý 4/2021.

Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng sẽ đẩy mạnh cho vay theo các chương trình tín dụng như cho vay đối với DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp, cho vay nông nghiệp nông thôn... Hiện có 11 tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tham gia chương trình kết nối ngân hàng- DN với gói tín dụng đăng ký cho vay hỗ trợ DN là 312.045 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2021, gói tín dụng này đã giải ngân được 216.571 tỷ đồng cho 19.278 khách hàng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các nội dung kế hoạch đã xây dựng, trong đó đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo nội dung Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Ngoài ra, các chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực động lực cho tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp hỗ trợ… Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm "room tín dụng," tùy thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất. Một số ngân hàng có hạn mức tín dụng được cấp lên đến trên 17%. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa cấp vốn cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính, diễn biến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết các DN nhỏ và vừa trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh. Hiện dư địa tín dụng ở các ngân hàng vẫn còn nhiều nên chỉ cần các DN có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng xem xét cho vay.

Thanh Thanh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết