|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó với dịch bệnh, phục hồi kinh tế

Theo Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam chủ trương "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế" nên các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với chủ trương này.

Ngày 21/10, JICA tổ chức buổi họp báo giữa kỳ năm tài khóa 2021 theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ về những thành tích nổi bật trong hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài khóa 2020 từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết: Về con số, số tiền cam kết cho vay của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ. 

Theo ông Shimizu Akira, Chính phủ Việt Nam chủ trương "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế" nên các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với các chủ trương này. Cụ thể, những dự án hợp tác của JICA tại Việt Nam tập trung cho “Đối phó với dịch bệnh COVID-19” và “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Họp báo giữa kỳ năm tài khóa 2021 của JICA Việt Nam

Về “Đối phó với dịch bệnh COVID-19”: mặc dù thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vaccine và thuốc điều trị nhưng dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng. Vì vậy, hệ thống y tế cần được tăng cường hơn nữa. Cho đến nay, trong lĩnh vực y tế, JICA tập trung vào 2 ưu tiên trọng điểm.   

Đầu tiên là "Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên”. Bệnh viện Chợ Rẫy được Nhật Bản xây dựng từ năm 1975. Sau này, JICA tiếp tục triển khai các dự án tăng cường năng lực cho các bệnh viện ở các đô thị lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, tăng cường hệ thống y tế toàn diện, bao gồm cả tăng cường năng lực và trang bị cho các bệnh viện tuyến dưới. JICA sẽ tận dụng kinh nghiệm tích lũy trong những hợp tác từ trước đến nay, tìm kiếm các khả năng hợp tác mới để có thể góp phần củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế hiệu quả hơn nữa.  

Ưu tiên trọng điểm thứ hai là “Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm”. Năm 2006, Nhật Bản đã hoàn thành lắp đặt phòng an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE). Tiếp sau đó, JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Pasteur TPHCM nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh - nơi phải thực hiện các xét nghiệm nhanh và trên diện rộng dịch COVID-19 đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo của NIHE và Viện Pasteur TPHCM. 

Bên cạnh đó, JICA đã viện trợ cho Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR, Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO, trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ là hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng) nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch tại Việt Nam.   

Ngoài ra, JICA đã tiến hành mua sắm thông qua UNICEF hộp lạnh bảo quản vaccine kèm thiết bị theo dõi nhiệt độ phục vụ cho việc vận chuyển vaccine. JICA thực hiện hỗ trợ tại một số tỉnh biên giới thông qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức Nhà nước trong điều tra và giám sát các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thiết bị phòng ngừa dịch bệnh. JICA sẽ cung cấp các trang thiết bị y tế dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tổng cộng số tiền viện trợ của các dự án này là 800 triệu yên (khoảng 163 tỷ đồng).  

Về vấn đề “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh COVID-19”: Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, vừa phòng chống dịch, trong đó, cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế.   

Bên cạnh các dự án công trình cửa ngõ quốc tế như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng quốc tế Lạch Huyện, JICA cũng triển những dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương như cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành trên toàn quốc như cầu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cầu Kẻ Nậm ở tỉnh Nghệ An gần biên giới Việt Nam – Lào... Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho những nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.  

Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, JICA đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước... Các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam. 

Tháng 10/2020, cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 đã được thông xe. Tháng 8 vừa qua, dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim được hoàn thành và bắt đầu đưa vào vận hành thương mại. Đây là dự án được Nhật Bản hỗ trợ xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1964. Tháng 5/2021, JICA ký kết thỏa thuận cho vay dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch nhằm trung hòa carbon.  

Tháng 8/2021, dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim được hoàn thành và bắt đầu đưa vào vận hành thương mại

Dự án xây dựng đường sắt đô thị TPHCM bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nay đã được thi công trở lại. 

Bên cạnh đó, JICA đã thực hiện dự án hợp tác với Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) và trường Đại học Việt - Nhật (VJU) trong nhiều năm. Dự án triển khai đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp và giáo dục đại học. Nguồn nhân lực này sẽ trở thành động cơ thúc đẩy công nghiệp hóa tiên tiến tại Việt Nam...   

JICA cũng đang thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật tăng cường năng lực nghiên cứu cho trường Đại học Cần Thơ, dự án xây dựng và mua sắm thiết bị cho tổ hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, chương trình nghiên cứu và liên kết ngành học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

“Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, nhiều lao động bị mất việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới...  

JICA sẽ nỗ lực hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước”, Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh.

An Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin