Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hà Lan: Tận dụng cơ hội từ EVFTA
Cùng với Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ tại thị trường Hà Lan.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hà Lan trong tháng 9/2021 đạt 3,3 triệu USD, giảm 23,5% so với tháng 9/2020. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hà Lan đạt 70 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2020.
9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hà Lan đạt 70 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2020. |
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hà Lan giảm mạnh liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9/2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và xuất khẩu gián đoạn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tính chung trong 9 tháng đầu 2021 tới thị trường Hà Lan vẫn tăng trưởng tốt, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh từ đầu năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Hà Lan, mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chính xuất khẩu tới thị trường này trong trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt 57,2 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu chiếm 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hà Lan. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2021, gỗ ván và ván sàn, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương xuất khẩu tới thị trường Hà Lan tăng rất mạnh, trong khi đó cửa gỗ xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Lan nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường nội khối chiếm 72,8% tổng trị giá nhập khẩu, giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng nhập khẩu nội khối giảm và Hà Lan có xu hướng tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối.
Trong số các nguồn cung cấp ngoài khối, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 cho Hà Lan, sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt 37,3 triệu Eur (tương đương 44,4 triệu USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,8% tổng tri giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hà Lan. Như vậy, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này khai thác tại thị trường Hà Lan.
Các đối thủ cạnh tranh từ ngoài khối EU của Việt Nam tại Hà Lan là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Trong đó, với phương châm thay đổi giá trị, cải tiến hệ thống khiến cho giá cả rẻ hơn, cạnh tranh hơn nhưng đồ gỗ vẫn tốt hơn, Indonesia đang trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu gỗ vào thị trường EU nói chung và Hà Lan nói riêng.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, với Việt Nam, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã được ký kết vào ngày 19/10/2018, việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 27 nước châu Âu, mà không cần phải qua một nước trung gian nào.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, Hà Lan nhập khẩu từ Indonesia với tốc độ đang chậm lại so với các thị trường cung cấp chính. Tuy nhiên, Hà Lan tăng tốc trong nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Với thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam có lợi thế hơn là đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), theo đó về thuế suất các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ tại thị trường Hà Lan.
Trong những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại EU bởi đây là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu. Trong đó, các sản phẩm nội thất bằng gỗ nhập khẩu vào Hà Lan ngoài việc phục vụ tiêu thụ nội địa của thị trường này, còn một lượng lớn hàng hóa được tái xuất khẩu sang các quốc gia EU khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tận dụng các lợi thế từ Hiệp định vẫn chưa hiệu quả, nên các sản phẩm nội thất của Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp tại thị trường Hà Lan và chưa có nhiều bứt phá tại thị trường này. Do đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội để ngành công nghiệp nội thất nói riêng và ngành gỗ nói chung của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hà Lan những tháng cuối năm 2021 dự báo khả quan hơn, do nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đang tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19, nhờ việc nới lỏng các hạn chế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. |
Nguyễn Hạnh