|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt cho các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất chi hơn 760 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường dẫn vào nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng tại huyện Củ Chi.

Trong văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét chấp thuận đưa hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường dẫn vào nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng đầu tư theo hình thức PPP. Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho biết, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng tại huyện Củ Chi mà Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE đề xuất đã được các sở ngành đã thống nhất. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa có đường dẫn.

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt cho các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng
Một góc Khu xử lý chất thải Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Được biết, dự án xây dựng nhà máy thu hồi năng lượng này được phê duyệt từ năm 2005. Tổng chi phí đầu tư xây dựng vào khoảng 4.820 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước sẽ không quá 50%.

Theo đó, số tiền hơn 760 tỉ đồng này TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng đường dẫn vào dự án.

Đề xuất này của Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh được xem là động thái bước đầu “khơi thông” dự án xử lý rác thu hồi năng lượng này nhằm hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện.

Cũng trên địa bàn huyện Củ Chi, hiện có ba dự án chuyển đổi nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện cũng đang được TP. Hồ Chí Minh “gỡ vướng”, thúc đẩy tiến độ để đưa vào vận hành.

Các dự án này được khởi công từ năm 2019, 2020 nhưng đến nay chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào được đưa vào vận hành. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện vào cuối năm 2020 chưa thể đạt được.

Cụ thể, cuối năm 2019, trên địa bàn huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đồng loạt khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày) và Tập đoàn Vietstar (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày). Và đến năm 2020, một nhà máy xử lý rác thải có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, 500 tấn chất thải công nghiệp/ngày, 120 tấn chất thải nguy hại/ngày do Công ty CP Môi trường Tasco đầu tư cũng đã được khởi công.

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt cho các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng
Dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa khởi công từ tháng 10/2019 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, tiến độ dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2021. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể vận hành với nhiều lý do.

Theo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, nếu các dự án này đi vào hoạt động thì đến năm 2021, lượng rác thải chôn lấp của TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm còn 50%, đúng như mục tiêu mà thành phố đã đề ra.

Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên mà các nhà đầu tư đưa ra là do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nên công nghệ sử dụng cho dự án từ phía đối tác chưa xác định thời gian cung cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt cho các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng
Công ty Cổ phần Vietstar khởi công xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện từ tháng 8/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Tiếp đó, chủ đầu tư đề nghị thành phố hỗ trợ chuyển hồ sơ để được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) trước khi trình Chính phủ phê duyệt...

Ngoài ra, chủ dự án có tổng mức đầu tư lớn còn muốn có cơ chế riêng. Đề nghị được ký phụ lục hợp đồng “Cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt” cho dự án với công suất 2.000 tấn rác/ngày theo đúng quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư của dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm có nguồn vốn và nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ... Tuy nhiên để đáp ứng các đề nghị này của nhà đầu tư, các cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian.

TP. Hồ Chí Minh: Gỡ nút thắt cho các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng
Nhà máy áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng với hiệu suất cao của Công ty CP Tasco cũng trễ tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Hiện cùng với việc gỡ vướng cho các dự án xử lý đốt rác phát điện đã được phê duyệt triển khai này, TP. Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu đơn vị nhà nước có chức năng trong hoạt động thu gom rác, xử lý môi trường cho thành phố - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh tham gia vào hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có công suất 1.000 tấn/ngày.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết