|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiệt hại kép từ hút thuốc lá

Hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tài chính của người dùng mà còn tác động tới nền kinh tế xã hội.

Tổn hại đến sức khoẻ

Đối với 1 quốc gia, dân tộc, sức khỏe có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, giống nòi thì cần phải hạn chế, loại bỏ, trong đó có yếu tố thuốc lá.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Thanh Quý – Trường Đại học Y Hà Nội, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng nguồn nhân lực. Một quốc gia không thể phát triển kinh tế - xã hội nếu người dân không có sức khỏe, không được học hành với những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Do vậy, sức khỏe cần phải được nhìn nhận như tài sản của con người và xã hội, hơn bất cứ của cải vật chất nào.

Một trong những sản phẩm có tác động nguy hại đến sức khoẻ con người, giống nòi đó là thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người.

Hút thuốc chủ động và thụ động có thể gây ung thư mọi cơ quan trong cơ thể người như: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày.

Hút thuốc cũng gây ra: Bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản. Đặc biệt thuốc lá có thể gây tác hại lớn đến phụ nữ mang thai.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới đang chiếm mức 45,3%, nữ là 1,1%. Đặc biệt, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Vì sao cần phòng chống tác hại của thuốc lá?
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn thiệt hại về kinh tế cho chính người sử dụng

Thiệt hại về kinh tế

Hút thuốc lá không chỉ gây nên bệnh tật cho con người mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình có người sử dụng thuốc lá, thậm chí thiệt hại đến kinh tế quốc gia.

Theo thống kê, mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 200 tỷ USD. Hút thuốc gây chi phí cho y tế và xã hội cao vì Nhà nước phải bỏ tiền để hỗ trợ tư vấn, điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân hút thuốc. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, tại các nước có thu nhập cao chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính từ 6-15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Hàng năm, Mỹ thiệt hại 170 tỷ USD, Trung Quốc 5 tỷ USD, Úc 21 tỷ USD. Ở Việt Nam dù chưa có thống kê cụ thể, song con số này cũng lên tới nhiều tỷ USD.

Ở góc độ vi mô, tiêu thụ thuốc lá gây tổn hại kinh tế cho gia đình. Hút thuốc gây lãng phí phần đáng kể nguồn tài chính vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo. Khi sử dụng tiền mua thuốc lá nhiều sẽ làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình.

Tại Việt Nam, mỗi năm, người Việt chi hàng tỉ đồng mỗi năm để mua thuốc lá. Chỉ tính riêng năm 2015, người dân Việt Nam đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Số tiền này đủ để giúp hơn 2 triệu người Việt thoát nghèo.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình.

Có thể thấy, các bệnh xuất phát từ thuốc lá không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng và nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên để có thể kéo giảm người hút thuốc lá, giảm thiểu những hệ luỵ gây ra từ thuốc lá, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân là nhân tố quan trọng.

 

PV
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết