Thị trường BĐS cuối năm sẽ không giảm giá quá sâu
Theo các chuyên gia, giá bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm dự kiến sẽ không thể giảm sâu dù các nhà đầu tư bị áp lực bởi dòng tiền và thanh khoản.
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, thị trường nhà ở toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2016. Những tháng đầu năm 2021, sự hồi phục khả quan với mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9%.
Chưa xuất hiện tâm lý bán tháo
Tại Hà Nội, trước những diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, các chuyên gia cho rằng tình hình hoạt động của thị trường BĐS sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá BĐS cho các phân khúc thị trường nhiều khả năng sẽ giảm không sâu. Trong khi tại TP.HCM, thị trường dù chịu áp lực của dịch Covid-19 kéo dài gần 5 tháng qua nhưng việc bán tháo, cắt lỗ vẫn chưa xuất hiện tại thị trường này.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến, thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội lớn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế là điều kiện thuận lợi cho thị trường. Sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã có tác động rất lớn đến thị trường BĐS. Bên cạnh nguồn cầu về nhà ở còn rất lớn, tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà, đất ở.
Theo các chuyên gia, dù dịch bệnh diễn ra, thị trường vẫn không ghi nhận sự hoảng loạn hay bối rối. Thị trường hiện trong trạng thái tạm lắng, tức mọi thứ đang đứng yên, dĩ nhiên không thể nào có mức tăng đột biến, nhưng đồng thời cũng không có hiện tượng giảm giá sâu ở bất cứ phân khúc nào.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: "Từ nay đến cuối năm cũng có nhiều chính sách mới được ban hành, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Trong đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trình Chính phủ vào quý III hoặc quý IV năm 2021 để ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS, nhằm kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là giao dịch liên quan đến đất nền; nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS... nhằm kiểm soát, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh".
Thị trường thế giới có nhiều biến động
Mới đây, Savills cũng đã đã tiến hành cuộc khảo sát tốc độ hồi phục của thị trường nhà ở tại 30 thành phố trên toàn cầu, kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2020, thị trường nhà ở tại những thành phố này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng giá nhẹ khoảng 0,7%, phần lớn là bởi các lý do về bất ổn xã hội, những thay đổi về chính sách và thuế quan tại nhiều quốc gia và sau đó là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, thị trường BĐS cao cấp tại nhiều nước đã cho thấy sự phục hồi, bằng chứng là tăng trưởng giá trung bình đạt mức 3,9%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.
Những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường có thể kể đến: Lãi suất thấp, cải thiện trong niềm tin của người mua, sự gia tăng số lượng giao dịch có giá trị cao cũng như các biện pháp kích cầu kinh tế. Với việc nhiều nước hiện nay đang dần mở cửa biên giới, thị trường có thể kỳ vọng vào nhu cầu lớn hơn. Những bất ổn do diễn biến dịch Covid-19 có thể vẫn kéo dài, song, những tín hiệu hồi phục nền kinh tế sẽ tăng thêm sự tự tin từ phía nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy nhu cầu BĐS từ nay đến cuối năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 70% các thành phố trong khảo sát ghi nhận tăng trưởng trong giá trị BĐS nhà ở. Những thành phố ghi nhận tăng trưởng âm là những thị trường trước đó chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ khách hàng quốc tế, một phân khúc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khi bị hạn chế đi lại và du lịch.
Theo Savills, không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng về giá mà số lượng giao dịch tại nhiều thành phố cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt khi so sánh với cùng kỳ năm 2020, thời điểm lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều nơi.
Từ đó cho thấy, khả năng phục hồi của thị trường BĐS là rất lớn trên toàn cầu, xu hướng giảm giả BĐS cũng chưa thể hiện ở giai đoạn này.
Bà Giang Huỳnh, Quản lý cấp cao bộ phận thị trường Savills Việt Nam nhận định “nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm sẽ tiếp tục thấp. Việc thiếu vắng nguồn cung mới cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ.”
Vân Trần