Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng truyền tải và phân phối điện, kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường lâu dài ổn định.
Thiếu chính sách dài hạn cho môi trường đầu tư ổn định
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng. Đây cũng là quy hoạch có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm.
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dự thảo Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh để phù hợp với cam kết trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) sẽ đóng góp 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045.
Đánh giá về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho hay, trên thế giới, năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng trên 15-30%/năm. Hiện, lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh, với nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Cụ thể, đối với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377 GW. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã có 84 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000MW đã vận hành thương mại (COD). Tuy nhiên, còn 37 dự án với tổng công suất khoảng 2.455 MW đã đăng ký nhưng không kịp COD trước 31/10/2021.
Đáng chú ý, tiềm năng năng lượng mặt trời tại Việt Nam là rất lớn. Theo tính toán, điện mặt trời sẽ có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434 GW, trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 16,6 GW (ĐMT tập trung 9 GW, điện mặt trời mái nhà 7,6 GW).
Nhấn mạnh về vai trò của năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế xã hội, ông Vy cho rằng, giai đoạn 2020 – 2050, hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc từ phần lớn dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang tăng cường hiệu quả, dựa trên năng lượng tái tạo và thực hiện điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống.
Mặt khác, với tốc độ phát triển như hiện nay và trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao, khoảng 8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045. Vì vậy, nguồn điện phải tăng cao đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.
Bên cạnh đó, theo tính toán của tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, nếu đầu tư phát triển điện lực thông thường (nhiệt điện, thủy điện…) giai đoạn 2021 - 2045, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới điện.
Do đó, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đòi hỏi vốn đầu tư tăng 33%, tương ứng khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD). Điều này có thể dẫn tới giá điện trung bình tăng tương ứng khoảng 30%.
Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” mới đây, đại diện các địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và cũng chính là những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, như công tác quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, giá điện, thu xếp vốn đầu tư.
Ngoài ra, sự tăng trưởng “nóng” của điện gió và điện mặt trời trong các năm vừa qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn – tải theo miền. Thực tế, hiện có 96% nguồn điện mặt trời và toàn bộ nguồn điện gió đã vận hành tại miền Trung và miền Nam, trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời đã vận hành tại miền Bắc.
Hoàn thiện cơ chế, phát triển đồng bộ
Theo nhận định của các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng truyền tải và phân phối điện, kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường lâu dài ổn định.
Nằm trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, các chính sách của Việt Nam vẫn tuân thủ theo các quy định, cam kết và luật pháp quốc tế về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính từ COP21 (2015) đến nay là COP26 (2022). Các Nghị quyết của Bộ Chính trị như NQ55, Nghị định NĐ2058, NĐ37, NĐ11, NĐ39 đều nhấn mạnh về ưu tiên khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường để tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia, các chính sách trên rất đúng đắn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển năng lượng tái tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng như công cụ đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống điện khi gió và điện mặt trời cao. Kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường.
Chia sẻ thêm về mặt giải pháp từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban quản lý năng lượng Tập đoàn T&T Group, nêu 3 điểm nghẽn cần sớm có phương án tháo gỡ trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển thì tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.
Thứ hai, cơ chế giá FIT chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi là điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.
Thứ ba, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện này cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi.
Đặc biệt, do thiếu quy định và hướng dẫn nên một số địa phương đã thông qua khu vực khảo sát theo đề nghị của nhà đầu tư là quá lớn so với quy mô công suất dự kiến. Điều này gây lãng phí không gian biển, tài nguyên biển, cũng như hạn chế các nhà đầu tư tiềm năng khác đến tìm kiếm ý định và nhu cầu đầu tư.
Bên cạnh đó, nhận định nguồn vốn đầu tư là một thách thức đối với phát triển năng lượng tái tạo, vì vậy theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), để hóa giải được thách thức này, cần có chính sách đột phá trong việc khuyến khích, phát triển năng lượng tái tạo bền vững.
Theo đó, cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo...
Cùng với đó, để có thể huy động năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển đặt ra, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết tới đây, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối.
Trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, thị trường đã thay đổi, để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.
Đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công Thương.
Theo đó, quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền. Kết quả này thể hiện rõ sự hợp lý hơn, ưu việt hơn so với phương án Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021, trong đó, dự kiến tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500, 220kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Về dài hạn đến năm 2045, Hội nghị thống nhất cơ bản quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000 MW.
Lan Anh