|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thách thức của EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện

Biến đổi khí hậu và cuộc chiến Nga - Ucraina đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành năng lượng thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng đã ứng phó như thế nào trong hoàn cảnh này? Dưới đây là phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Diễn biến cuộc chiến Nga - Ucraina chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và nắng nóng bất thường, nhiệt độ tăng cao ở châu Âu đã làm cho nhu cầu sử dụng điện năng tăng vọt ở châu lục này. Để đảm bảo đủ khí đốt dùng cho sản xuất, trong đó có cả phát điện, cả châu Âu vẫn đang loay hoay với bài toán làm sao chuẩn bị đủ khí đốt dự trữ cho mùa đông đang đến gần. Mặc dù có những tín hiệu giá dầu đang trên đà giảm (giá dầu thô WTI giao dịch trong ngày 3.8 của Mỹ lùi gần 1%, giao dịch ngưỡng 93,6 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu đối với hợp đồng giao tháng 10 cũng lùi dưới mốc 100 USD/thùng, giao dịch ngưỡng 99,6 USD/thùng), nhưng những rủi ro tiềm ẩn khi Nga đang giảm dần lượng khí cung cấp cho châu Âu (hiện tại lượng khí cung cấp qua dòng chảy Nord stream 1 vào khoảng 20% công suất) vẫn đang làm cho châu Âu lo lắng.

Những diến biến giá năng lượng trên thế giới và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng tác động đến ngành năng lượng Việt Nam, trong đó có ngành điện. Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm cho việc tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh. Trong khi đó, theo VnDirect, giá than quốc tế đã tăng gấp 2 - 3 lần và giá khí cũng tiếp tục neo ở mức cao, trong đó, giá khí LNG châu Á có thể đạt 32 USD một triệu BTU và giá khí tự nhiên của Mỹ Henry Hub sẽ đạt 5,5 USD một triệu BTU trong năm nay.

Do giá than tăng, nên đến cuối tháng 3/2022, các nhà máy điện than: Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành ở mức 60 - 70% công suất, trong khi đó sản lượng Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 giảm hơn 36%, Nhiệt điện Vũng Áng 1 giảm đến 2,4 lần so với cùng kỳ.

Trong quý 1/2022, giá than nhập khẩu bình quân ở mức 228,5 USD /tấn, tăng 170% trong khi sản lượng than nhập khẩu là 6,44 triệu tấn, giảm 27% do các khó khăn trong khâu xuất nhập khẩu. Mặc dù giá than nội địa gần như giữ nguyên trong suốt 2 năm qua, tỷ lệ than nhập khẩu trong lượng than cung cấp cho các nhà máy điện không ngừng tăng, gây áp lực lên giá than đầu vào.

Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện lại có những tín hiệu tích cực. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Tổng lượng mưa trong mùa lũ năm nay sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm. Ứng với lượng mưa như vậy, mùa mưa lũ năm 2022 ở lưu vực sông Hồng sẽ xuất hiện sớm hơn. Đỉnh lũ trên các sông suối ở lưu vực sông Hồng cũng sẽ cao. Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có tổng lượng mưa trong mùa lũ năm 2022 tại các hồ được dự báo cao hơn mức trung bình nhiều năm, riêng tháng 10 - 11 sẽ cao hơn khoảng 20 - 40%.

Riêng Tây Nguyên và Nam bộ, thời kỳ nửa đầu mùa mưa (tháng 6 - 8/2022) có lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Mưa lớn ngay đầu mùa hạ tạo nên niềm vui cho hầu hết các doanh nghiệp thủy điện. Thủy điện Thác Mơ cho biết lưu lượng nước bình quân về hồ tăng trên 80% so với cùng kỳ. Lưu lượng nước về hồ chứa tại các công ty con như: Thủy điện Đăkrơsa, Đại Nga trung bình tăng khoảng 43%. Tương tự, lợi nhuận Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng tăng theo sản lượng và giá bán điện bình quân khi tham gia thị trường, trong đó, sản lượng điện của doanh nghiệp này tăng gần 40%. Đối với Thủy điện Thác Bà là khoảng 60%. Sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện riêng tháng 5 - đầu mùa mưa, đạt gần tương đương tháng cao nhất của mùa mưa 2 năm trước, tức tháng 10/2020.

Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hiện nguồn nước trên các hệ thống sông đang về rất tốt nên phần lớn các nhà máy thuỷ điện đang phát công suất tối đa, đặc biệt các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông Đà vận hành với công suất tối đa 24/24 giờ, trong đó lưu lượng nước về hồ Sơn La và Hòa Bình lên gần 5000 - 8.000 m3/s khiến Nhà máy Hòa Bình và Sơn La mặc dù đã huy động tất cả các tổ máy vận hành liên tục suốt ngày đêm nhưng vẫn phải mở cửa xả đáy từ giữa tháng 6.

Do thời tiết thay đổi khá phức tạp nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm cho việc tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: Vào trưa ngày 21/6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528 MW (xem hình 1). Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc cũng đã lập mức kỷ lục mới, với công suất đỉnh của miền Bắc là 22.330 MW vào trưa ngày 21/6/2022.

Chưa hết, tiêu thụ điện tại miền Bắc lại lập đỉnh kỷ lục mới vào trưa 18/7/2022, với công suất tiêu thụ lên tới 22.800 MW - cao hơn khoảng 1.900 MW so với mức đỉnh của miền Bắc năm 2021, cao hơn ngày 21/6/2022 là 470 MW.

Những thách thức của EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện
Hình 1. Công suất tiêu thụ điện toàn quốc từ ngày 15 đến 21/6/2022 (nguồn: EVN).
Như vậy, nếu so với mức trung bình của tuần trước đó thì công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia ngày 21/6/2022 đã tăng tới hơn 6.500 MW. Riêng đối với miền Bắc, công suất đỉnh cũng đã tăng hơn 5.200 MW - tương đương tăng gần 31% so với mức trung bình tuần trước đó. Nếu so với mức đỉnh năm 2021 thì công suất tiêu thụ toàn quốc ngày 21/6/2022 cao hơn tới gần 3.100 MW và công suất đỉnh miền Bắc cũng cao hơn gần 1.400 MW.

Về sản lượng tiêu thụ điện, trên cả quy mô toàn quốc và miền Bắc cũng đều thiết lập những con số kỳ lục mới trong đợt nóng này. Đặc biệt, ngày 21/6/2022 cũng là lần đầu tiên sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống điện quốc gia đạt con số 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh.

Tuy gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, EVN đã thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra. Để bù đắp cho thiếu hụt điện than, EVN đã tăng huy động các nguồn, trong đó có điện khí bất chấp giá điện khí tăng nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các ngành kinh tế.

Kết quả sản xuất, kinh doanh lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau, xem bảng 1:

Bảng 1. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 7 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: EVN).

TT

Loại nguồn

Thực hiện năm 2021

Thực hiện 7 tháng đầu năm 2022

Tăng (+) hoặc giảm (-) so với năm 2021, %

Sản lượng, tỷ kWh

 

So sánh toàn hệ thống, %

Sản lượng, tỷ kWh

 

So sánh toàn hệ thống, %

1

Thuỷ điện

78.605

30,62

52,58

33,3

+ 2,68

2

Nhiệt điện than

118.074

45,99

63,94

40,5

-5,49

3

Tua bin khí

26.312

10,25

17,39

11,0

+0,75

4

Nhiệt điện dầu

3

0,001

-

-

-

5

Năng lượng tái tạo

31.508

12,27

22,06

14

+1,73

 

Tr.đó: Điện gió

3.343

1,30

5,24

3,43

+2,13

 

Điện mặt trời

27.843

10,85

16,54

10,57

-0,28

 

Sinh khối

321

0,12

-

-

-

6

Nhập khẩu

1.403

0,55

1,62

1

 

7

Nguồn khác

821

0,32

0,43

0,2

 

 

TỔNG

256.727

100

158,02

100

 

Qua bảng 1 cho thấy: Tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,68% so với mức trung bình năm 2021; sản lượng điện năng sản xuất từ nguồn nhiệt điện 7 tháng đầu năm 2022 giảm 5,49%; 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện năng sản xuất từ tua bin khí tăng 0,75%); 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo tăng 1,73%, trong đó điện năng từ điện gió tăng 2,13%, trong khi đó, điện năng từ điện mặt trời lại giảm 0,28% so với mức bình quân năm 2021. Điều này lý giải do đầu mùa mưa lũ năm nay có mưa lớn nên các nhà máy thủy điện đã tận dụng cơ hội này phát hết công suất lắp máy và điện năng từ năng lượng tái tạo cũng tăng nên hệ thống đã giảm bớt nguồn phát từ nhiệt điện than.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 72,94 tỷ kWh, chiếm 46,16% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Về xây dựng các công trình lưới điện trong 7 tháng đầu năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 75 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 57 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV. Trong đó, đã đóng điện hoàn thành toàn bộ cụm dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) và đóng điện đưa vào một số trạm biến áp (TBA) như: TBA 220 kV Chư Sê; TBA áp 110 kV Lào Cai 2 và nhánh rẽ; đường dây và TBA 110 kV Kim Động 2; lắp máy 2 TBA 110 kV Bình Vàng, Kỳ Sơn; TBA 110 kV KCN Phú Bài 2 và đấu nối; lắp máy 2 TBA 110 kV Đăk Song...

Đối với việc phát triển nguồn điện EVN đang tiếp tục triển khai thi công dự án Thủy điện Yaly mở rộng, dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 và đang chờ Chính phủ cho phép thi công trở lại dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Tuy nhiên, công tác GPMB một số dự án trọng điểm (dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy NĐ Quảng Trạch 1, Nhà máy ĐMT Phước Thái 2 và 3...) vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ...

Một số mục tiêu, nhiệm vụ công tác của EVN trong những tháng cuối năm 2022:

Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia: Nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở Bắc bộ và Trung bộ trong tháng 7 và 8 năm nay. Nhiệt độ trung bình tại Bắc bộ phổ biến cao hơn 0,50C, các nơi khác phổ biến cao hơn 0,5 - 1,00C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống trong những ngày nóng ở mức 793,8 triệu kWh/ngày (tăng 6,4% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 42.390 MW.

Mục tiêu vận hành hệ thống điện các tháng cuối năm 2022:

Một là: Tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Vận hành tối ưu hệ thống điện trên nguyên tắc đảm bảo vận hành an toàn, đồng thời từng bước giảm bớt khó khăn về tài chính của EVN.

Hai là: Huy động tối đa công suất các nhà máy thủy điện có nước về tốt, giảm bớt xả thừa; nhiệt điện than, tua bin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và thực hiện bài toán tối ưu thủy điện - nhiệt điện; dự phòng nhiệt điện dầu, khí.

Ba là: Tiếp tục tập trung thi công các dự án: Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3.

Về lưới điện, tập trung chuẩn bị khởi công các dự án quan trọng (trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên; trạm biến áp 220 kV KKT Nghi Sơn, trạm biến áp 220 kV Pắc Ma, đường dây 220 kV Pắc Ma - Mường Tè) và các dự án đã có kế hoạch đóng điện trong năm 2022 (đường dây đấu nối trạm biến áp 220 kV Bắc Quang; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Ô Môn; các trạm biến áp 220 kV Yên Mỹ, Duy Xuyên, Cam Ranh)...

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ cho tiến hành tiếp tục thi công mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nhằm đảm bảo tiến độ. Bởi nếu dự án này không được triển khai thi công trở lại sớm sẽ có nguy cơ mất an toàn các hạng mục công trình đang thi công dở dang và phát sinh chi phí đầu tư xây dựng, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án.

Riêng trong mùa lũ, EVN tiếp tục chỉ đạo các công ty, nhà máy thủy điện vận hành hồ đập nghiêm chỉnh thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa theo từng lưu vực sông đã được Chính phủ ban hành, tăng cường tuyên truyền về vai trò của thủy điện trong việc cắt, giảm lũ. Các tổng công ty, công ty điện lực tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để kịp thời ứng phó với bão lũ, cũng như các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp đủ điện cho khách hàng.

Tuy nhiên, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, nhất là ở miền Bắc, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 23h00)./.

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin