|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới của Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm mới được nêu ra trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là đã được tính toán, lựa chọn cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn với tiềm năng năng lượng sơ cấp, điều kiện kinh tế, mức giá điện và khả năng vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia của nước ta.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 giảm khoảng 12 tỷ USD

Quy hoạch điện VIII được xây dựng trong bối cảnh đặc biệt chịu nhiều thách thức của đất nước cũng như của ngành điện. Vấn đề được quan tâm nhất đối với quy hoạch mới là cơ cấu nguồn điện sẽ được hoạch định như thế nào để bảo đảm mục tiêu an ninh cung ứng điện, cơ bản đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện.

Theo kết quả sau khi rà soát Quy hoạch điện VIII từ Bộ Công Thương cho thấy, Quy hoạch điện VIII đảm bảo đạt được các mục tiêu tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch VIII. Đặc biệt, so với đề án mà Bộ Công Thương trình tháng 3 năm 2021, một số điểm mới nổi bật của Quy hoạch điện VIII đạt được sau khi rà soát như sau:

Thứ nhất, mặc dù nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi, nhưng Quy hoạch điện VIII vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW. Chương trình phát triển nguồn điện đảm bảo tính tối ưu, tăng cường khả năng tự chủ của từng miền, tạo sự cân bằng cung - cầu nội miền. Quy hoạch đã rà soát, đánh giá và điều chỉnh các nguồn điện đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh một cách hợp lý, giảm thiểu tối đa sản lượng truyền tải giữa các miền. Kết quả rà soát đã giúp giảm khoảng 7.700 MW công suất đặt nguồn điện vào năm 2030 và khoảng 15.000 MW vào năm 2045.

Thứ hai, Quy hoạch điện VIII đảm bảo cao nhất khả năng tự cân đối nội vùng và nội miền, tránh truyền tải xa. Chỉ sử dụng lưới điện truyền tải 500 kV hiện tại để liên kết các miền và không phát triển lưới điện 500 kV liên kết mới giữa các miền giai đoạn tới năm 2030 nhằm giảm tổn thất điện năng trong truyền tải điện và tăng cường độ tin cậy cung cấp điện.

Cụ thể, việc rà soát đã giúp giảm 24.000 MVA dung lượng trạm biến áp 500 kV xây mới, khoảng 4.000 MVA dung lượng trạm biến áp 220 kV xây mới; giảm khoảng gần 3.000 km đường dây 500 kV và khoảng 1.300km đường dây tới năm 2030. Với tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 giảm khoảng 12 tỷ USD.

Những điểm mới của Dự thảo Quy hoạch điện VIII
Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030

Thứ ba, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000MW hiện nay lên tới 31.600MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Như vậy, năng lượng tái tạo được tiếp tục phát triển với tỉ lệ thâm nhập hệ thống điện hợp lý, phù hợp với cơ cấu nguồn điện trong giai đoạn tới năm 2030 của hệ thống điện Việt Nam, không làm tăng quá cao chi phí hệ thống và giá thành bán lẻ điện.

Bên cạnh đó, quy hoạch mới đã hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Bộ Công Thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000MW.

Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước... và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Như vậy có thể thấy, Quy hoạch điện VIII đã đảm bảo tuân thủ các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn tới năm 2045.

Thứ tư, Quy hoạch điện VIII đã đưa ra một số nguyên tắc và tiêu chí cho việc giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch, điều phối sự phối hợp xuyên suốt giữa các cơ quan quản lý ngành với địa phương; đề xuất các cơ chế điều hành quy hoạch nhằm hạn chế những tồn tại trong quá trình thực hiện quy hoạch giai đoạn vừa qua, tăng cường công tác trung kiểm nhằm thúc đẩy việc triển khai đúng tiến độ các dự án và kịp thời giải quyết các vướng mắc, báo cáo đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan quản lý ngành.

Đảm bảo điện phải đi trước một bước

Bên cạnh đó, để không bị động trong công tác điều hành phát triển điện lực, từ quá trình rà soát Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện phát triển điện lực trong giai đoạn vừa qua, những khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát triển điện lực, những yếu tố chủ quan, khách quan làm chậm tiến trình thực hiện quy hoạch điện quốc gia, ảnh hưởng tới việc đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất một số cơ chế để điều hành quy hoạch, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng/lần đối với việc triển khai thực hiện các dự án nguồn điện lớn, đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án khác hoặc thu hồi dự án để giao cho các chủ đầu tư khác có năng lực theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp khác như hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư, đấu thầu, giải pháp huy động vốn đầu tư,… để rút ngắn thời gian phát triển các dự án; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ trong phát triển điện lực, tạo liên kết với các nước trong khu vực; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điều tiết, điều hành thị trường, thực hiện tái cơ cấu ngành điện hiệu quả,… nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh công bằng nhằm thu hút các thành phần đầu tư vào lĩnh vực điện lực.

Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII, Bộ sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhằm cụ thể hóa từng giải pháp thực hiện, đảm bảo chủ động cung ứng điện với chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Đồng thời, Bộ sẽ thường xuyên rà soát, kịp thời báo cáo và xin các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra, đánh giá từng chỉ tiêu đặt ra theo từng năm và có giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đỗ Nga


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết