|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển ấn tượng

Ngày 6/7, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là động lực quan trọng để ngành du lịch Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong thời gian qua.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.000 lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của năm 2022 đã được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 265.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong Top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%.

Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển ấn tượng

Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng chỉ ra rằng, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới. Việt Nam cũng được đề cử tại 61 hạng mục ở giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt đánh giá, hoạt động du lịch đã có những khởi sắc sau khi mở cửa lại từ 15/3. Thị trường du lịch nội địa phục hồi rất nhanh chóng, đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 với việc đón trên 60 triệu lượt khách ngay trong 6 tháng đầu năm; du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi với tốc độ khá nhanh.

Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hàng không đang có dấu hiệu quá tải, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực du lịch ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về du lịch. Đây là sự kiện đặt ra những định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Trước mắt, trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhóm các nhiệm vụ đề án trọng tâm là đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; rà soát, điều chỉnh đề án Phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam; đề án Phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Quy chế điều phối hoạt động du lịch theo vùng phù hợp điều kiện thực tế phát triển các cụm, vùng du lịch và phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026; đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dự án Chuyển đổi số trong ngành du lịch; tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh…

Tổng cục Du lịch cần tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế. Bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng...

Thanh Bảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin