|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

M&A bất động sản sôi động bất chấp đại dịch

Trái ngược với các lo ngại về tình hình mua bán - sát nhập (M&A) ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường M&A bất động sản vẫn sôi động với loạt thương vụ lớn trong năm 2021.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bất động sản là một trong những lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A nhất trong năm 2021. Cụ thể, với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực cạnh tranh, từ đầu năm đến nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, gồm bất động sản để ở và không để ở.

Trái ngược với lo ngại về tình hình M&A ảm đạm do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, thị trường M&A lĩnh vực bất động sản trong năm 2021 vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Với kết quả kinh doanh tốt và tiềm lực tài chính lớn, các doanh nghiệp địa ốc đã liên tục thực hiện các thương vụ thâu tóm quỹ đất giá trị.

Kết thúc quý III, các doanh nghiệp địa ốc dẫn đầu thị trường lần lượt thông báo kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng tốt, lợi nhuận tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử như Công ty Cổ phần Vinhomes có mức lợi nhuận ròng tăng tới 82% so với cùng kỳ năm trước, hay Tập đoàn Novaland - một doanh nghiệp địa ốc lớn tại miền Nam và miền Trung, cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý III tăng gần 159% so với cùng kỳ năm trước.

Một số thương vụ M&A lớn điển hình trong năm 2021 có thể kể đến như Công ty Cổ phần Vinhomes - Tập đoàn Vingroup công bố mua khu đô thị Đại An quy mô 300ha tại tỉnh Hưng Yên; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long hoàn tất mua lại 100% dự án tại Đồng Nai từ Keppel Land; Công ty Nam Long nhận chuyển nhượng dự án Waterfront Đồng Nai... Bên cạnh đó, các công ty địa ốc lớn khác như Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, Tập đoàn Danh Khôi cũng công bố các chiến lược nhằm tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm các quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

M&A bất động sản sôi động bất chấp đại dịch
Từ đầu năm đến nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, gồm bất động sản để ở và không để ở

Cùng với đà tăng trưởng của phân khúc bất động sản để ở, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng hưởng lợi tích cực từ việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và sự bổ sung nguồn cung của các dự án bất động sản công nghiệp mới. Dự kiến trong năm nay có sẽ có nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp đi vào hoạt động như dự án Logos Property tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1, Công ty Cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250ha với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trong tương lai với các thương vụ M&A được dự kiến thực hiện. Vì lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực có tác động lớn tới kinh tế xã hội nên để đảm bảo duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, hướng tới phúc lợi chung, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ, đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về cạnh tranh khi thực hiện các giao dịch M&A tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định nghĩa vụ thông báo bắt buộc đối với các giao dịch tập trung kinh tế dự định thực hiện thuộc ngưỡng thông báo.

Nhận định về hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, thị trường này đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Trong đó, đa số các thương vụ thành công là giữa các nhà đầu tư trong nước, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường.

Bà Lan phân tích, trước đây, các nhà phát triển bất động sản trong nước có xu hướng tự xin cấp phép và thực hiện dự án; các thương vụ M&A chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm lại từ các nhà phát triển dự án trong nước. Tuy nhiên hiện nay, khi quy mô thị trường lớn hơn, nguồn lực tài chính, bộ máy của doanh nghiệp trong nước mạnh hơn thì M&A là cách họ lựa chọn để nhanh chóng mở rộng quỹ đất và hoạt động kinh doanh.

Chuyên gia Savills cho biết, dù trong đại dịch, làn sóng M&A dự án giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước vẫn có những diễn biến đáng chú ý. Trong quý II vừa qua, một số thương vụ M&A nổi bật như: Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt mua lại 99,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương để sở hữu dự án Bình Dương Tower, thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam, thương vụ hợp tác giữa Becamex IDC và Central Retail Vietnam phát triển Trung tâm thương mại GO! tại Bình Dương...

Hoàng Lan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin