|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khải Hoàn Land (KHG): Bị chiếm dụng vốn như thế nào? (Kỳ cuối)

Đa phần các công ty mà Khải Hoàn Land (KHG) đang đổ tiền đầu tư đều có “bóng dáng” của ông Nguyễn Khải Hoàn và người thân trong gia đình. Thậm chí nhiều doanh nghiệp mà KHG đầu tư trong những năm qua còn không ghi nhận doanh thu hoặc lỗ.

Mối liên minh với doanh nghiệp đối tác

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (Khải Hoàn Land; Mã chứng khoán: KHG) hiện đang hợp tác cùng với 5 đối tác chính, gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu; Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land; Công ty TNHH Cộng đồng môi giới; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution; Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh.

Với 5 công ty này, KHG hiện đang đầu tư, hợp tác kinh doanh với tổng số tiền hơn 4.474 tỉ đồng (chiếm tới hơn 70% tổng tài sản). Hiện nhiều nhà đầu tư đang lo ngại KHG đang bị chiếm dụng vốn ở những khoản đầu tư này vì nhiều lý do khác nhau như những dự án liên quan chưa thể mở bán, các doanh nghiệp được đầu tư đều ít nhiều có mối liên quan mật thiết tới ông Nguyễn Khải Hoàn – Chủ tịch HĐQT KHG.

Theo dữ liệu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, KHG đang có khoản đầu tư 490 tỉ đồng tại dự án KĐT mới Gò Găng – TP.Vũng Tàu do Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Hiện doanh nghiệp đối tác này có địa chỉ tại số 5-7-9-11 Đường Nội khu Hưng Gia 4, KĐT Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM; ông Vũ Công Sơn là người đại diện pháp luật. Hiện ông Sơn cũng đang là người đại diện pháp luật của Chi nhánh Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land ở huyện Nhà Bè, TP.HCM và Công ty TNHH Phát triển du lịch Cần Giờ Khải Hoàn.

Khải Hoàn Land (KHG): Bị chiếm dụng vốn như thế nào? (Kỳ cuối) - Ảnh 1

Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG) đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nhưng bị đánh giá kém hiệu quả.

Còn tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution, Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh và Công ty TNHH Tập đoàn KHL đều có cùng người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Nhân (sinh năm 1978). Trong đó, Công TNHH Giao Hưởng Xanh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution là những đối tác có các khoản phải thu lớn với KHG.

Cụ thể, tính đến cuối năm ngoái, KHG ghi nhận 1.021,2 tỉ đồng các khoản phải thu liên quan tới Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh liên quan tới các dự án La Partenza. Trong đó, KHG góp vốn 800 tỉ đồng vào dự án và sẽ nhận được 450 căn hộ tại dự án này.

Trong khi đó, KHG đã góp 950 tỉ đồng để cùng với Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution triển khai việc hợp tác kinh doanh, đồng phát triển và môi giới không độc quyền.

Một doanh nghiệp khác cũng phát sinh 3 khoản phải thu mới với KHG trong năm 2021 là Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land, với tổng giá trị ghi nhận cuối năm ngoái lên tới 1.134 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land được thành lập vào tháng 7/2016, bởi vợ chồng doanh nhân Nguyễn Khải Hoàn (Chủ tịch HĐQT KHG) và bà Trần Thị Thu Hương, với tỉ lệ sở hữu 99% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, từ tháng 5 – 8/2017, hai cá nhân này đã triệt thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land. Cập nhật tới tháng 1/2021, Khải Minh Land có quy mô vốn điều lệ 1.200 tỉ đồng, do bà Nguyễn Thị Hoài Quyên (sinh năm 1991) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Bà Nguyễn Thị Hoài Quyên và bà Nguyễn Thị Hồng Nhân cũng là những cổ đông nắm toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solutio (tính đến tháng 7/2019) và Công ty TNHH Tập đoàn KHL (tính đến tháng 10/2019). Bà Nguyễn Thị Hoài Quyên từng là cổ đông lớn của KHG và đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống 4,27% vốn điều lệ từ tháng 11/2021.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land, Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn – Vũng Tàu, Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh, Công ty TNHH Cộng đồng môi giới, Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land đều có trụ sở trùng với trụ sở của KHG tại Đường Nội khu Hưng Gia 4, KĐT Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Còn địa chỉ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Solution nằm tại Khu phố Mỹ Toàn 3, phường Tân Phong, quận 7 – nằm cách trụ sở của KHG không xa.

Bằng chứng cho thấy tỉ suất sinh lời (ROA) sẽ thấp

Dù góp hàng nghìn tỉ đồng tại các doanh nghiệp đối tác là thế nhưng hiệu quả các khoản đầu tư của KHG đang được nhiều nhà đầu tư không đánh giá cao. Đơn cử như Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu, dù có vốn điều lệ hàng nghìn tỉ đồng nhưng trong giai đoạn 2016 - 2019 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 0 đồng.

Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu hiện chỉ đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Gò Găng. Nhưng dự án này chưa biết đến khi nào mới đầy đủ pháp lý để có thể tạo ra nguồn thu.

Khải Hoàn Land (KHG): Bị chiếm dụng vốn như thế nào? (Kỳ cuối) - Ảnh 2

Đất làm dự án Khu đô thị mới Gò Găng sau 4 năm vẫn chưa có nhiều hạng mục được triển khai.

Thậm chí vào năm 2018, Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu có biến động mạnh nhất khi ghi nhận lỗ sau thuế 651 triệu đồng.

Theo khảo sát của Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 23/3/2022, cả khu đất làm Khu đô thị mới Gò Găng rộng hơn 1.500 ha hiện nay vẫn là đất đùm xen lẫn ruộng muối của diêm dân; đường vào dự án là lối mòn với bề mặt đá dăm lởm chởm.

Nhiều người dân sống cạnh khu đất dự án này cho biết, những năm gần đây không có bất cứ hoạt động san gạt, xây dựng gì trên quy mô của một dự án bất động sản. Thậm chí, có người sống trên đảo Gò Găng còn “không biết Khu đô thị mới Gò Găng ở chỗ nào”.

Hiện dự án này mới chỉ có giấy phép phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 và đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác.

Tại Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh cũng ghi nhận doanh thu 0 đồng trong suốt giai đoạn 2016 - 2019. Đặc biệt hơn, năm 2017, doanh nghiệp gánh lỗ đến 14,5 tỉ đồng, các năm kế tiếp lỗ hơn 1,5 tỉ đồng... Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh cũng đang trong tình cảnh khó khăn khi dự án La Partenza đang "bế tắc" chưa thể triển khai.

Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2023, nhưng đang bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng triển khai, nguyên nhân là do dự án chưa hoàn thiện pháp lý nhưng đã tổ chức xây dựng và huy động vốn trái quy định pháp luật. Hiện dự án này chưa được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này cũng đang bị đặt nhiều nghi vấn về số tầng và chiều cao của công trình.

Một số dự án còn lại, KHG hợp tác với chủ đầu tư để được môi giới, bán sản phẩm nên tiến độ phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp ký kết hợp tác. Trong báo cáo của mình, KHG cũng thừa nhận có nhiều rủi ro khi thực hiện dự án bất động sản, bởi thường phải đối mặt chậm tiến độ trong các giai đoạn thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thiết kế, thi công, xây dựng và hoàn thiện. Đáng chú ý, chậm tiến độ là rủi ro quan trọng nhất, có thể ảnh hưởng và kéo theo các rủi ro khác.

Chính bởi thế mà dù ghi nhận lãi lớn trong năm 2021 nhưng dòng tiền của KHG lại âm tới gần 2.500 tỉ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện hoạt động có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa là công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách mà không thu được tiền về. Do đó, để bù đắp, doanh nghiệp có thể lựa chọn giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản hay tăng cường đi vay.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp; Tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền? Trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Muốn huy động vốn, nâng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỉ đồng

Trong tài liệu ĐHCĐ thường niên 2022 dự kiến tổ chức ngày 30/3 tới đây, KHG muốn tăng vốn điều lệ lên hơn hơn 10.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu. 

Trong trường hợp số cổ phiếu KHG đăng ký chào bán không phân phối hết theo dự kiến và số lượng vốn huy động không đạt như dự kiến, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT cân nhắc bổ sung nguồn vốn còn thiếu thông qua hình thức huy động khác như vay các tổ chức tín dụng hoặc vay từ tổ chức/cá nhân khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài 2 đợt phát hành trên, KHG cũng muốn phát hành khoảng 92 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến phát hành khoảng 924 tỉ đồng.

Ngoài ra, năm 2022, KHG cũng dự kiến phát hành tối đa hơn 6 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP). Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm và tối đa 3 năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, KHG dự định phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị phát hành mỗi đợt sẽ không vượt quá 2.500 tỉ đồng.

Hồ Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết