|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới tầm cao của đô thị phát triển

Việc triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế mà còn hướng tới tầm cao của đô thị phát triển.

Trong số các công trình được thúc đẩy thời gian qua, có 2 công trình có ý nghĩa quan trọng. Đó là Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là các công trình cơ sở hạ tầng và cũng là cao tốc đô thị, kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất nên vị trí hết sức quan trọng.

Vậy, vai trò huyết mạch của các dự án này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới?

Những nội dung này đã được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế giải đáp tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá” diễn ra sáng ngày 4/5. Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Hướng tới tầm cao của đô thị phát triển - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội: Thời điểm chín muồi

Hướng tới tầm cao của đô thị phát triển - Ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Nhiệm vụ xây dựng dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Khi xây dựng các dự án này, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai số 3 TPHCM và số 4 thành phố Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được điều này do khó khăn. Đến nay, chúng ta cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi. Việc xây dựng 2 tuyến đường này mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định.

Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội: Vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển không gian đô thị hiện đại

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ: "Tôi đồng tình vời anh Phương, thời điểm này là quá chín muồi".

Hướng tới tầm cao của đô thị phát triển - Ảnh 3

PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải có cách tiếp cận quyết liệt trong triển khai xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp bách của hiện tại mà còn là đòi hỏi cấp bách của sự phát triển trong tương lai.

Việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ có căn cứ từ thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết.

Thực tế cho thấy, hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước suốt thời gian dài bị kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, việc Chính phủ quyết định phải làm 2 tuyến đường này thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là 2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.

Việc đặt ra ưu tiên như vậy và đưa thành nhiệm vụ cấp bách quốc gia cũng như chuyển hướng chiến lược nhằm phát triển Vùng Thủ đô và Vùng TP.HCM, cả hai trung tâm tăng trưởng bậc nhất, không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế kinh tế mà còn hướng tới phát triển không gian đô thị, hướng tới tầm cao của đô thị phát triển.

Mặt khác, sau thời gian 2 năm gồng mình chống đỡ với những diễn biến tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, đến thời điểm này chúng ta phục hồi lại, việc triển khai 2 dự án này sẽ tiếp thêm động lực này tạo ra đột phá cho nền kinh tế. Thời điểm này có giá trị thúc đẩy rất lớn.

"Tôi thực sự chia sẻ nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra chương trình này và hy vọng phải có cách tiếp cận quyết liệt, xứng đáng với sứ mệnh chúng ta đặt ra", PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

Xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đề ra trong một loạt đại hội và được khẳng định trở lại tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Có cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thì không chỉ cuộc sống của người dân được cải thiện mà nền kinh tế cũng phát triển đột phá. Sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, Hải Phòng, mới đây nhất là Thái Nguyên, cho chúng ta thấy định hướng chiến lược đó của Đảng, Nhà nước ta là hết sức đúng đắn.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ xây dựng được 1.000 km đường cao tốc mà mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng được 2.000 km đường cao tốc. Chúng ta thử so sánh, 20 năm có 1.000 km mà 5 năm hướng tới 2.000 km.

Đó là định hướng chiến lược mà Chính phủ mới và người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triển khai rất quyết liệt. Thủ tướng cũng như Chính phủ đã có những hành động, không chỉ trong quy hoạch hay tầm nhìn chiến lược mà trực tiếp lăn lộn để triển khai việc này.

Bùi Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin