|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới Kinh tế biển xanh cho Việt Nam

Dầu khí, hàng hải, du lịch, điện gió, hải sản, đóng tàu là các ngành kinh tế mũi nhọn được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đề xuất phát triển theo hướng kinh tế xanh, sạch cho Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia của UNDP khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiên thể chế và hành lang pháp lý cho ngành dầu khí, tiếp tục phát triển theo chiều sâu.

UNDP cùng với Tổng cục Biển và Hải đảo đang lấy ý kiến đóng góp vào Báo cáo “Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển: Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam”.

Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam
Kiên Giang hướng đến vai trò cầu nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhờ kinh tế biển.

Báo cáo Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển: Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam là một trong những nghiên cứu đầu tiên về phát triển kinh tế biển với cách tiếp cận mới, đã bước đầu giúp hình dung được quy mô và vai trò của từng ngành trong định hướng phát triển kinh tế biển Việt Nam trong tương lai…

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, cho biết quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20-22% tổng GDP cả nước.

Kinh tế biển là một mối tổng hòa của các ngành trên một môi trường biển có sự gắn kết chặt chẽ. Sự phát triển của một ngành có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành khác, vì vậy, đòi hỏi một tiếp cận và phối hợp đa ngành nhằm tối ưu hóa phát triển kinh tế biển xanh Việt Nam...

"Chúng tôi hy vọng rằng báo cáo là một đóng góp quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần trong việc hoạch định chính sách, xác định ưu tiên, phục hồi xanh để thúc đẩy kinh tế bền vững biển ở Việt Nam", ông Lai nhận định.

Báo cáo Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển: Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam nêu lên những kết quả nghiên cứu chuyên đề cho 6 ngành kinh tế biển chủ lực tại Việt Nam: Năng lượng tái tạo; dầu khí; thủy sản; giao thông biển; du lịch; môi trường.

Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam
Các chuyên gia của UNDP khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiên thể chế và hành lang pháp lý cho ngành Dầu khí, tiếp tục phát triển.

Đối với Dầu khí, đây là một ngành kinh tế quan trọng. Các chuyên gia của UNDP khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiên thể chế và hành lang pháp lý cho ngành dầu khí, tiếp tục phát triển theo chiều sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống quản trị.

Trữ lượng hải sản biển của Việt Nam đạt 5,42 triệu tấn, GDP hải sản hiện chiếm 72-89% tổng GDP của cả ngành thủy sản; 15-20% GDP nông, lâm, ngư nghiệp; 2,5-3,2% trong GDP toàn quốc.

Với ngành hải sản, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản suy giảm do dư thừa cường lực đánh bắt. Cơ sở hạ tầng ngành hải sản chưa đáp ứng yêu cầu, quản lý môi trường vùng nuôi chưa hiệu quả. Các chuyên gia của UNDP khuyến cáo, Việt Nam cần giảm sản lượng khai thác hải xuống mức bền vững tối ưu, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, cụ thể nên giảm từ 3,6 triệu tấn năm 2020 xuống 2,65 triệu tấn hải sản đánh bắt vào năm 2030. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Với ngành du lịch biển, những năm gần đây Việt Nam thu hút 35 triệu lượt du khách biển mỗi năm, đem lại doanh thu 508 nghìn tỷ đồng, GDP thuần đạt 184 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trong 2 năm vừa qua, ngành Du lịch biển giảm sút nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo khuyến nghị ngành du lịch biển Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ không gian, phân kỳ phát triển, phát triển thị trường du lịch hài hòa, cân bằng với nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề cập về ngành hàng hải, báo cáo thông tin, vận tải biển tại Việt Nam đạt gần 650 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chiếm khoảng 23,2% tổng sản lượng vận tải.

Tuy nhiên, đội tàu biển quốc gia chỉ đảm nhận 10% vận tải biển quốc tế dù có hơn 1.000 tàu. Hệ thống cảng biển tại Việt Nam gồm 34 cảng biển, 278 bến cảng. GDP của ngành hàng hải đạt 43.576 tỷ đồng năm 2019, bằng 0,7-1,0% GDP quốc gia. Ngành hàng hải vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, bởi nhu cầu vận tải biển tăng trưởng mạnh mẽ theo nhu cầu xuất nhập khẩu, du lịch…

Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam
Việt Nam cần nhanh chóng trẻ hóa các đội tàu biển.

Báo cáo đưa ra kịch bản bền vững cho ngành hàng hải: giai đoan 2020-2030 vận tải biển tăng trưởng 7,4%/năm, sản lượng đạt khoảng 1 tỷ tấn năm 2030.

Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược mới phát triển đội tàu quốc gia theo hướng trẻ hóa, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về khí thải. Phát triển hệ thống cảng biển phải đồng bộ hệ thống dịch vụ logistics sau cảng, đảm bảo năng lực thông qua 1,4 tỷ tấn hàng hóa. Ngoài ra, cần có quy hoạch mới cho ngành công nghiệp đóng tàu.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, báo cáo cho rằng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam còn rất kiêm tốn cả về số lượng lẫn quy mô dự án, hiện công suất lắp đặt mới chiếm 0,11% trong tổng sản lượng điện cả nước nên đóng góp cho GDP không đáng kể.

Điện gió ngoài khơi đang đối mặt với nhiều thách thức: thiếu quy hoạch đồng bộ - xung đột sử dụng không gian biển. Tuy vậy, các chuyên gia của UNDP cũng chỉ ra rằng: Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam rất lớn, trong khi công nghệ và hiệu suất điện gió đang được cải tiến liên tục, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.

Kịch bản cơ sở Quy hoạch ngành điện đưa ra, đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện gió trên biển tại Việt Nam sẽ đạt 7.000MW, cung cấp khoảng gần 26 tỷ kWh, đáp ứng khoảng gần 5,5% tổng nhu cầu điện thương phẩm quốc gia.

Nhưng các chuyên gia của UNDP khuyến nghị một kịch bản bản bền vững (xanh): Nên hướng đến đạt 10.000MW điện gió biển đến năm 2030, cung cấp khoảng gần 40 tỷ kWh. Đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm hoạch định được lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, tích hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy hoạch sử dụng không gian biển.

Hướng tới Kinh tế biển xanh ở Việt Nam
Việt Nam sớm hoạch định được lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, tích hợp quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với quy hoạch sử dụng không gian biển.

Đối với lĩnh vực Môi trường, biển Việt Nam có hệ thống rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá đều có tính đa dạng sinh học cao.

Tuy nhiên, hệ sinh thái biển đang đối diện với nhiều thách thức: chất thải từ các sông đổ ra biển (ô nhiễm rác thải nhựa), hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và tác động của biến đối khí hậu.

Các chuyên gia UNDP khuyến nghị Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển và phân định rõ các khu chức năng. Cần tăng cường khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, giám sát và cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển.

Báo cáo nêu lên đánh giá tác động của kinh tế biển xanh về sự tương tác giữa 6 lĩnh vực hoạt động kinh tế biển với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Trước mắt, dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở, chưa dẫn đến xung đột lớn giữa các ngành, phát triển kinh tế chưa đến mức xung đột lợi ích lớn để giải quyết.

"Các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam chưa gây ra thảm họa môi trường biển. Do đó, trong 10-15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế cần theo hướng nhanh hơn, nhờ các yếu tố khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái và duy trì sự đa dạng. sinh học vẫn rất thực tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Dự kiến, báo cáo sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam và Na Uy đồng chủ trì, với hỗ trợ kỹ thuật của UNDP, sẽ được tổ chức vào ngày 13-14/12/2021 tại Hà Nội.

P.V


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin