Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số.
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 32/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của ngành công thương với 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, thứ nhất, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng nhập khẩu năng lượng sơ cấp và đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1... đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023. Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ.
Thứ hai, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023 gồm: năng lượng, điện, khoáng sản, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia… thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của ngành công thương; kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn thải, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng. Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm, quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, sẵn sàng đón dòng vốn hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng với G7 và các đối tác quốc tế vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, chuyển đổi xanh. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố môi trường.
Thứ sáu, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Quyết định cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị thuộc ngành công thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.
Bên cạnh đó, các Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách, bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại chương trình hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện...
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình hành động; Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chương trình hành động này.
Đình Tú