|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện

Trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị, tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp…tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) đã chung sức, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó: Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định với mức tăng trưởng cao góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.

Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt ~77.800 MW, tăng ~1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT là 20.165MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện
Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết của EVN

Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021. Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08%. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW, tăng 4,41%. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% KH và tăng 7,53% so với năm 2021.

Năm 2022, EVN tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện.

Theo đó, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Từ tháng 1/2022, EVN đã công bố hệ sinh thái số - EVNCONNECT, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, đã có trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%. Tổn thất điện năng toàn EVN giảm còn 6,24% giảm 0,03% so với năm 2021.

EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện
Ban điều hành hội nghị tổng kết

rong công tác đầu tư xây dựng, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn năm 2022 ước đạt 89.305 tỷ đồng, bằng 92,5% KH; Giá trị giải ngân đạt 88.225 tỷ đồng, bằng 91,4%KH.

Trong đó về nguồn điện, EVN đã đảm bảo tiến độ thi công dự án Thuỷ điện Ialy mở rộng đáp ứng mục tiêu kế hoạch năm và mục tiêu phát điện năm 2024; thuỷ điện Hoà Bình mở rộng đã thi công trở lại từ tháng 9, hiện đang tập trung nguồn lực để thực hiện với mục tiêu phát điện năm 2025. Đồng thời, EVN đang khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm như NĐ Ô Môn III&IV, TĐ Trị An MR, TĐTN Bác Ái, ...

Về lưới điện, cả năm 2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình 110-500kV, trong đó đưa vào các công trình quan trọng như ĐD 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, lưới điện đồng bộ NĐ Vân Phong 1; ĐD 220kV Nậm Mô - Tương Dương, ...Đối với cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, xã đảo tiếp tục được chú trọng, trong đó đã đưa vào vận hành ĐD 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, đang triển khai thủ tục đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo.

Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.

Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Tổn thất điện năng toàn EVN giảm còn 6,24% giảm 0,03% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI toàn Tập đoàn giảm còn 283 phút, tốt hơn kế hoạch 15% và giảm 36 phút so với năm 2021. Số sự cố lưới điện giảm 22,4% so với năm 2021. Đến cuối năm 2022, đưa vào vận hành 63/63 TTĐK; 100% TBA 110kV và 78% TBA 220kV vận hành không người trực.

EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN phát biểu tại Hội nghị

Về doanh thu, tổng doanh thu năm 2022 của EVN ước đạt 460.700 tỉ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỉ giá tăng cao. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, năm 2022, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các sự kiện quan trọng của đất nước.

EVN đã cố gắng tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020, ...Nhờ đó, toàn tập đoàn đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỉ đồng.

EVN thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền: tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của công ty mẹ EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỉ đồng. Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy thủy điện (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than cho các nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện, giúp giảm chi phí mua điện của EVN 15.845 tỉ đồng,...

Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí nêu trên là 33.445 tỉ đồng. “Nếu EVN không áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí thì số lỗ năm 2022 có thể lên đến gần 65.000 tỉ đồng thay vì hơn 31.000 tỉ đồng”- Ông Nhân lý giải.

Năm 2023, EVN chọn chủ đề “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” với mục tiêu chính là: Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; Tiếp tục là một trong các đơn vị đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến khách hàng và cộng đồng; Phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Để triển khai nhiệm vụ năm 2023, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014 Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán lẻ điện bình quân, để giảm bớt khó khăn và đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.

Đồng thời, Bộ Công Thương sớm đề xuất Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

PV
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết