EVN có trách nhiệm đàm phán giá dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương vừa có văn bản phản hồi đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi EVN đề nghị không giao đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) không kịp tiến độ hưởng giá FIT.
Theo văn bản số 1171/ĐTĐL-TTĐ gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, EVN với vai trò là đơn vị mua điện trong thị trường điện, phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện để thống nhất cả về giá và sản lượng hợp đồng, quy định tại hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại thông tư số 57 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cục Điều tiết điện lực cho biết, về cơ sở pháp lý để đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện là theo quy định tại khoản 2 điều 4, thông tư số 45, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (không phải thủy điện) có công suất đặt lớn hơn 30MW được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện.
Các điều kiện cơ bản để nhà máy điện được vận hành trong hệ thống điện quốc gia bao gồm: có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; có văn bản công nhận ngày vận hành thương mại của nhà máy điện; hoàn thành nghiệm thu và đưa vào vận hành các hệ thống phục vụ vận hành hệ thống điện (SCADA/EMS, hệ thống đo đếm điện năng, AGC...) và các quy định khác có liên quan.
Ảnh minh họa
Theo Cục Điều tiết điện lực, trường hợp đơn vị phát điện có nhu cầu tham gia thị trường điện, theo quy định của thông tư số 24, nhà máy điện phải đáp ứng thêm các yêu cầu là hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thị trường điện; đồng thời hoàn thành ký hợp đồng mua bán điện để đáp ứng việc thanh toán theo các quy định về vận hành thị trường điện.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi EVN cho ý kiến đến các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, trong đó giao Tập đoàn đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư.
Ngày 12/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản 5106/EVN-TTĐ trả lời và cho rằng, đề xuất trên không khả thi với điều kiện tại Việt Nam. Nguyên do là thời gian sẽ kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để xác định giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này.
Ngoài ra, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân như trình bày trên đây sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN. Đơn cử, có thể xuất hiện tình huống các dự án nằm cạnh nhau nhưng có giá khác nhau hoặc dự án vào vận hành thương mại trước có giá rẻ hơn dự án đưa vào vận hành thương mại sau.
Theo EVN, việc không kiểm soát được thời gian đàm phán PPA sẽ dẫn đến không kiểm soát được tiến độ vận hành thương mại điện gió, điện mặt trời theo nhu cầu tại từng thời điểm trong tương lai và việc này sẽ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện của hệ thống.
Tiến Đạt