|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án cải tạo sông Tích: ‘Chốt’ hạn hoàn thành sau 10 năm dang dở

Dự án cải tạo sông Tích được đầu tư gần 7.000 tỉ đồng, nhưng 16 nghìn ha đất nông nghiệp vẫn 'khát' nước. Hiện thành phố đang khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc, đến hết năm 2022 sẽ đưa giai đoạn 1 của dự án vào sử dụng.

Dự án gần 7.000 tỉ đồng, 10 năm vẫn đang dang dở

Chiều qua (9/12), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ quận Long Biên) đã đặt ra câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm, phương án giải quyết, tiến độ thực hiện và dự kiến thời gian hoàn thành dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì".

Được biết, đại dự án sông Tích được đầu tư gần 7.000 tỉ đồng nhằm cung cấp nước tưới cho 16.000 ha đất nông nghiệp và tiêu thoát lũ cho nhiều huyện của Hà Nội, nhưng 10 năm vẫn dở dang và chưa rõ ngày cán đích.

Trả lời về vấn đề này, ông Đinh Công Sơn - Giám đốc Ban duy tu các công trình NN&PTNT (thuộc Sở NN&PTNT TP.Hà Nội) lý giải: Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 4927 ngày 6/10/2010 và Quyết định 1054 ngày 14/3/2016 với mục tiêu, quy mô và tổng mức đầu tư cụ thể:

Về mục tiêu, cấp nước tưới cho 16.000 ha đất nông nghiệp, phục vụ cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ công nghiệp, phòng chống lũ cho các huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Về quy mô, dự án xây dựng cống lấy nước từ sông Đà tiếp vào sông Tích với lưu lượng thiết kế 60 m3/s, gồm các hạng mục: xây dựng cụm công trình đầu môi, đào mới 11,2 km lòng dẫn, nạo vét 99,3 km lòng dẫn và xây dựng đồng bộ các công trình trên kênh gồm 25 cầu, 65 cống và đường giao thông hai bên bờ.

Dự án cải tạo sông Tích: ‘Chốt’ hạn hoàn thành sau 10 năm dang dở - Ảnh 1

Dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích sau 10 năm vẫn dở dang và chưa rõ ngày cán đích. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Theo phê duyệt, dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2010- 2013) tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú đến cầu Ó (tiếp giáp giữa Thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ). Với tổng mức đầu tư 5.925,1 tỉ đồng, dự án nhằm khôi phục và tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích. Trong đó đoạn 1 từ cống đầu mối Lương Phú đến Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây, giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 4.253,7 tỉ đồng.

Đoạn 2 từ Cầu Trắng, Thị xã Sơn Tây đến Cầu Ó, huyện Phúc Thọ, với tổng mức đầu tư 1.671,3 tỉ đồng do thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư.

Đối với giai đoạn 2 (2014- 2015), sẽ tiếp tục và hoàn thành nạo vét, tu bổ, nắn chỉnh dòng chảy các đoạn còn lại, từ cầu Ó huyện Phúc Thọ đến Ba Thá xã Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức dài 69,8 km, đoạn này chưa triển khai.

Đến nay, đoạn 1 của dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng bao gồm các hạng mục, cơ bản hoàn thành cụm công trình đầu mối, đào mới và nạo vét được 18 km lòng dẫn.

5 vướng mắc khiến dự án chậm trễ

Theo Giám đốc Ban duy tu các công trình NN&PTNT, có 5 vướng mắc trong quá trình triển khai khiến dự án cải tạo sông Tích chậm tiến độ nhiều năm.

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thi công, hồ sơ thiết kế có bố trí 44 bãi để trữ và bãi đổ đất thừa trên dọc tuyến, tuy nhiên không triển khai được. Khu vực này là khu vực đất mượn nên không triển khai được 44 bãi trữ.

Thứ 2, khó khăn về đất mua để đắp, do trên địa bàn TP.Hà Nội không có quy hoạch các mỏ khai thác đất đắp cho dự án.

Thứ 3, quá trình khảo sát thiết kế do chưa lường hết địa hình, địa chất tuyến sông, dẫn tới phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công.

Thứ 4, một số định mức hiện hành đang áp dụng chưa phù hợp với thực tế tại hiện trường dự án, nên phải xây dựng lại định mức mới.

Thứ 5, công tác giải phóng mặt bằng chậm, do đối với công tác quản lý đất đai ở địa phương còn hạn chế và chưa chặt chẽ, dẫn tới việc xác định nguồn gốc đất khó khăn.

Ngoài ra là do sự thay đổi chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Sơn, Ban Duy tu các công trình NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư cũng đã cố gắng tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn thành phố tháo gỡ khó khăn cho dự án. Nhưng đến nay dự án vẫn chậm, trách nhiệm thuộc về Ban Duy tu các công trình NN&PTNT chưa kịp thời tham mưu, đề xuất cũng như cập nhật, hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo Sở NN&PTNT báo cáo thành phố giải quyết kịp thời.

Cam kết đến hết năm 2022 sẽ đưa giai đoạn 1 vào sử dụng

Lý giải về nguyên nhân dự án chậm tiến độ tới 11 năm, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đưa ra hai vướng mắc chính. Thứ nhất, liên quan tới vướng mắc giải phóng mặt bằng ở địa bàn huyện Ba Vì. Do nguồn gốc đất đai xác định chưa được rõ ràng, đầy đủ nên đã xảy ra những vụ án cần phải giải quyết và xử lý trong thời gian vừa qua.

Dự án cải tạo sông Tích: ‘Chốt’ hạn hoàn thành sau 10 năm dang dở - Ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Thứ 2, quá trình của dự án này kéo dài và địa hình, địa chất phức tạp nên trong quá trình triển khai, các khảo sát và đánh giá của đơn vị tư vấn chưa được chặt chẽ và đầy đủ nên phát sinh nhiều các hạng mục, nhân công, rồi cả đơn giá, cả định mức. 

Theo Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, dự án này rất quan trọng, cần triển khai sớm và đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền có trả lời giải trình, bổ sung tiếp.

Mặt khác, dự án này cũng là một mục tiêu hết sức quan trọng được tỉnh Hà Tây trước đây xác định là dự án trọng điểm triển khai thực hiện lấy nước từ sông Đà vào hệ thống sông Tích để làm sao vừa phục vụ cho nước phát triển nông nghiệp cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường.

Vừa qua, thành phố đã chỉ đạo các ngành rà duyệt lại toàn bộ hồ sơ, các quá trình triển khai thực hiện hơn 10 năm vừa qua và cũng đã hoàn chỉnh lại toàn bộ hồ sơ, những khó khăn, vướng mắc mà Ban duy tu vừa nêu ra đã được xem xét và các ngành đã thẩm định, báo cáo với UBND Thành phố.

"Như vậy, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố cũng sẽ hoàn thiện lại toàn bộ các hồ sơ điều chỉnh dự án, coi như là dự án lần cuối, trong đó cho phép triển khai thực hiện 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là đoạn từ Ba Vì tới thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành trong năm 2022 này để làm sao chúng ta cung cấp được nguồn nước vào sông Tích phục vụ cho hệ thống tưới tươi cũng như xử lý môi trường thì sẽ dứt điểm hoàn thành trong năm 2022.

Còn lại giai đoạn 2 từ Sơn Tây, Phúc Thọ cho đến Mỹ Đức sẽ triển khai thực hiện và đã đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành giai đoạn 2 này để làm sao toàn bộ tuyến sông Tích trên địa bàn của TP.Hà Nội sẽ được hoàn thành để làm sao phục vụ nguồn nước từ sông Đáy, để làm sao thau rửa về môi trường, phục vụ cho vấn đề sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề thành phố đã có chỉ đạo các ngành.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tọa điều hành phiên chất vấn cho rằng, dự án Tiếp nước và cải tạo sông Tích rất quan trọng, vừa là thủy lợi, vừa liên quan đến vấn đề về môi trường. Nguyên nhân dự án chậm trong thời gian qua, Ban Duy tu thuộc Sở NN&PTNT cũng đã thừa nhận các việc trong quá trình triển khai chậm, muộn.

"Hiện nay các đồng chí cam kết đến hết năm 2022 sẽ đưa giai đoạn 1 vào sử dụng, việc chúng ta thông dòng sông Tích, lấy nước sông Đà vào phải nói là việc rất quan trọng, thậm chí sau này chúng ta còn đưa vào để xử lý toàn bộ sông Đáy" - Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội nhấn mạnh.

Liên quan đến Dự án cải tạo sông Tích, trước đó, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung Ương nhận định, một dự án trọng điểm của Thủ đô mà để chậm tiến độ, kéo dài suốt 10 năm qua là điều không thể chấp nhận được.

Theo ông Hùng, cần phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức để dự án để chậm tiến độ, gây lãng phí tài sản Nhà nước, nhất là trong bối cảnh các vụ việc tiêu biểu đã xảy ra như Gang Thép Thái Nguyên. “Nếu lãnh đạo UBND TP.Hà Nội không quyết liệt, xử lý qua loa kiểu thông cảm cho nhau thì còn gì là quản lý giám sát nữa. Đã là chỉ đạo thì phải làm đến nơi đến chốn, xem xét giao nhiệm vụ, chỉ đạo đã sâu sát chưa”, ông Hùng nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết