Doanh nghiệp Đà Nẵng: Bài 3: Tự tin khôi phục sản xuất trong năm 2022
Nhiều doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng đã có đơn hàng đến giữa hoặc cuối năm 2022. Để đảm bảo việc phục hồi sản xuất, các kịch bản ứng phó với dịch Covid – 19 được chuẩn bị chi tiết, cùng với sự chủ động trong nguồn nguyên liệu, ứng dụng máy móc công nghệ tăng chất lượng, sản lượng, các doanh nghiệp tự tin sẽ đạt được tăng trưởng trong năm 2022.
Chủ động tháo các “điểm nghẽn” sản xuất
Bước vào năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị tốt để khôi phục, phát triển sản xuất – kinh doanh.
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng dự định sẽ đầu tư khoảng 8 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất năm 2022 |
Xác định “sống chung với dịch”, các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đều đã có phương án ứng phó khi công ty có ca mắc Covid – 19 để đảm bảo việc cách ly, truy vết thực hiện chủ động mà không ảnh hưởng đến sản xuất.
Tại nhà máy giấy bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu), hiện hơn 500 người lao động vẫn đang thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. “Dù có phát sinh thêm chi phí nhưng đó là biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế thấp nhất gián đoạn sản xuất trong bối cảnh đang cao điểm đơn hàng”, ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc nhà máy nói và cho biết trong năm 2022, tùy theo diễn biến dịch bệnh đơn vị sẽ tiếp tục linh hoạt áp dụng các mô hình sản xuất như “3 tại chỗ”, trong đó lấy an toàn của người lao động và duy trì liên tục sản xuất là vấn đề quan trọng hàng đầu.
“Công ty đã có phương án chi tiết ứng phó khi công ty có F0, F1, như có bố trí nơi cách ly tạm thời, tổ phản ứng Covid – 19 của công ty được tập huấn các bước xử lý khi có F0…”, ông Huỳnh Trinh – Chủ tịch HĐQT công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, Cẩm Lệ) cho hay.
Cùng với chủ động thích ứng với dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sẽ tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để phục vụ sản xuất. “Chúng tôi liên tục đầu tư máy móc, năm 2022, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư khoảng hơn 8 tỷ đồng cho các máy móc thiết bị để giảm bớt sức lao động nhưng tăng khả năng đáp ứng đơn hàng”, ông Huỳnh Trinh thông tin.
Bà Mai Thị Ý Nhi – Đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Foods (Hòa Sơn, Hòa Vang) cho hay, trong năm tới đơn vị tiếp tục tăng tỷ lệ tự động hóa trong hệ thống sản xuất bánh mì và bánh dừa nướng, nhất là sản phẩm bánh dừa nướng các loại để tăng công suất, chất lượng, kịp đáp ứng tiến độ đơn hàng cho cả thị trường nội địa và quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đang chủ động tìm kiếm, ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nguyên liệu để chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất liên tục |
Năm 2022, được dự báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong sản xuất sẽ tiếp tục, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang chuẩn bị tốt các nguồn nguyên liệu để không bị gián đoạn sản xuất. “Công ty đã ký kết với đối tác về việc cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong năm 2022. Cùng với đó, đơn vị đã chủ động tìm và làm việc với một số nguồn cung dự phòng để không rơi vào bị động khi gián đoạn nguồn cung”, đại diện một đơn vị dệt may trên địa bàn chia sẻ.
“Ngay từ trong năm 2021, đơn vị đã ký sớm đơn hàng cung ứng nguyên liệu. Đến thời điểm này đơn vị đã sẵn sàng nguồn nguyên liệu đến hết quý I/2022”, đại diện Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho hay.
Kỳ vọng và tự tin bước vào năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Đến tháng 12/2021, đã có 71.417 chuyên gia, người lao động tại KCNC, các KCN và Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng được tiêm vắc-xin mũi 1 (đạt tỷ lệ 86,8% tổng số người lao động); có 60.740 người lao động được tiêm vắc-xin mũi 2 (đạt tỷ lệ 82,3% tổng số người lao động). |
Với sự chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng giải quyết những “chướng ngại” về dịch bệnh, nguyên liệu, logistics…các doanh nghiệp sản xuất TP. Đà Nẵng đều đã sẵn sàng bước vào năm mới 2022 với tự tin và kỳ vọng về mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
“Đơn hàng thị trường nội địa hiện nay đảm bảo cho công ty hoạt động liên tục trong năm 2022. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành mở rộng sản xuất trong năm tới mới có thể đuổi kịp tiến độ giao hàng cho đối tác”, ông Hà Ngọc Thống nói và cho biết đơn vị tự tin tăng trưởng năm 2022 sẽ đạt 15%.
Ông Huỳnh Trinh – Chủ tịch HĐQT công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng vui mừng thông tin, đơn hàng chúng tôi đã có đến tháng 9/2022, chủ yếu đến từ EU, hàng xuất đi theo C/O ưu đãi của EVFTA. Nhờ EVFTA chúng tôi có thêm nhiều đối tác mới và các đối tác cũ thì gia tăng độ dày của đơn hàng hơn. Đơn vị đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 100 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2021.
Còn tại DRC, ông Hà Phước Lộc – Phó TGĐ Công ty cho biết, dự kiến tháng 01/2022, đơn vị sẽ mở rộng công suất nhà máy lốp radial lên hơn 1 triệu lốp/năm cùng với sự chuẩn bị chi tiết về các phương án sản xuất, đơn vị hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2022 ở mức 2 con số.
Các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng đã sẵn sàng và tự tin bước vào năm 2022 phục hồi sản xuất và tăng trưởng |
Từ triển vọng phục hồi kinh tế cùng những điểm sáng của doanh nghiệp, năm 2022, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu giá trị gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng 6 – 7% so với năm 2021, mức tăng tương đương mục tiêu tăng trưởng GRDP.
Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành/sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có hiệu quả, sức cạnh tranh gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị. Theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất trong điều kiện phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gồm: chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch đã được phê quyệt, trong đó đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, triển khai đầu tư cụm công nghiệp Hòa Nhơn; quy hoạch các khu vực dành riêng cho một số lĩnh vực sản xuất đặc thù như: sản xuất vật liệu xây dựng từ khoáng phi kim loại, chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ đá, chế biến gỗ....
Vũ Lê