|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến với những địa chỉ đỏ để giàu suy ngẫm, để thêm tin tưởng

Tháng 7 này thời gian như ngưng đọng lại khi đến với những địa chỉ đỏ của cha ông, của đất nước.

Những địa chỉ đỏ ấy luôn là một nội dung không thể thiếu trong những chuyến đi thực tế và giao lưu của Đảng bộ Báo Công Thương với các đảng bộ, chi bộ tại các địa phương.

Và trong chuyến đi thực tế mới đây tại Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng nhằm trao đổi công tác, những kinh nghiệm trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn công tác Đảng bộ Báo Công Thương đã đến với những địa chỉ đỏ trên thành phố Cảng.

Địa chỉ đỏ đầu tiên mà đoàn công tác Đảng bộ Báo Công Thương hành hương đến là Bến tàu không số Hải Phòng K15, hay còn được biết tới với cái tên thân thương mà đơn giản và giản dị là "bến Nghiêng ”. Tên gọi Bến K15 xuất từ chữ “K” là ký hiệu quân sự chỉ cảng, “15” là số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15.

Để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, chủ yếu là vũ khí, nhằm hiện thực hóa phương pháp đấu tranh quân sự, đấu tranh vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam, tên gọi Bến K15 đã ra đời để chỉ bến tàu của “đoàn tàu không số” tại chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Bến K15 được chọn làm càng vì khi xưa là một vịnh nhỏ, được bao bọc bởi ba dãy núi nên nơi đây rất kín đáo, khuất gió biển… rất thuận lợi để thành lập cầu cảng giúp tàu ra vào nhận vũ khí một cách dễ dàng.

Đến với những địa chỉ đỏ để giàu suy ngẫm, để thêm tin tưởng
Đoàn dâng hương tại Bến tàu không số K15

Suốt 14 năm (1961-1975), “Đoàn tàu không số” đã thực hiện được 1.879 lượt chuyến tàu vận tải, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, đạn dược, hơn 80.000 lượt người, đi qua 3.758.000 hải lý trên đường Hồ Chí Minh xuyên Biển Đông. Trải qua những năm tháng chiến tranh, Bến tàu K15 hiện nay chỉ còn lại chứng tích là những trụ bê tông cầu cảng cách bờ biển khoảng 30 mét, phía trên bờ là một số nền móng kho hàng, bể nước…

Để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, Thành phố Hải Phòng đã xây dựng tượng Đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15. Năm 2008, bến tàu K15, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong ánh nắng chiều vàng ươm như mật, các thành viên trong đoàn công tác Đảng bộ Báo Công Thương xúc động dâng hương tưởng nhớ những anh hùng năm xưa một quyết ra đi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hồi tưởng lại qua lời kể của hướng dẫn viên những tháng năm, những chuyến ra đi không thể nào quên về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển ngay tại nơi bắt đầu.

Nơi đây, giữa màu xanh của núi đồi trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích bến tàu K15- địa chỉ đỏ hùng dũng, uy nghiêm chính là biểu tượng anh hùng, ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số năm xưa.

Địa chỉ đỏ tiếp theo trong chuyến hành hương của đoàn công tác Đảng bộ Báo Công Thương là Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có nhiều gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, với vùng đất Hải Phòng...

Ngày 31/7/1932 thực dân Pháp đã sát hại đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân tại nhà lao Sông Lấp – Hải Phòng.

Ngày 21/8/2007, hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân được tìm thấy trong khuôn viên Nhà máy Giầy Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Nhà tưởng niệm hai đồng chí ban đầu được xây dựng năm 2008 ngay tại khu vực tìm thấy hài cốt và mở rộng, khánh thành tháng 1/2019.

Sau khi đưa vào hoạt động, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đến với những địa chỉ đỏ để giàu suy ngẫm, để thêm tin tưởng
Dâng hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sau khi thành kính dâng hương và thăm quan các điểm tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, các đảng viên trong đoàn công tác đã có chương trình giao lưu với Ban quản lý Nhà tưởng niệm để hồi tưởng lại cuộc đời cách mạng sôi nổi, vô cùng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân.

Các đảng viên trong đoàn công tác Đảng bộ Báo Công Thương dừng lại hồi lâu trước hững hiện vật, hình ảnh liên qua đến cuộc đời của hai nhà cách mạng tiền bối của Đảng. Một niềm xúc động lớn lao xen lẫn nỗi tiếc thương lan toả tâm trí mỗi người trong đoàn tại một địa chỉ đỏ mà mọi cán bộ, đảng viên và người dân đều nên có một lần đến.

Thời gian của chuyến công tác và đi thực tế tại Hải Phòng, đến với những địa chỉ đỏ tuy ngắn nhưng với mỗi đảng viên của Đảng bộ Báo Công Thương thực sự đó là những khoảng thời gian rất có ý nghĩa để như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm niềm tin để vững bước trên những chặng đường công tác mới.

Quang Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết