Đại biểu Quốc hội đề nghị miễn giảm thuế, phí tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Chính phủ đề xuất đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, sáng 7/1, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chi cho phòng, chống dịch - điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế
Theo đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng), về giải pháp tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách phù hợp hơn. Cùng với đó, cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm và cần có sự phối hợp giải pháp tài khóa và giải pháp tiền tệ.
Đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì làm được điều này, vừa kích thích được thị trường, vừa hỗ trợ cả cho cung cầu mang lại giá trị cho xã hội. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với các giải pháp khác. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định.
Đại biểu Trần Đình Văn nêu rõ, ở giai đoạn hiện tại phải tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm bởi 2 lý do: Nên chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên chi cho phòng chống dịch cần tính thêm khoản chi cho vaccine khi tới đây không được viện trợ và mua thuốc chữa trị Covid-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm và không nên nằm trong quy định chi cho đầu tư phát triển. “Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa vaccine và điều trị Covid-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời với chủ trương xem Covid là một điểm đặc hữu, từ đó cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân”- đại biểu Trần Đình Văn chỉ ra.
Lo ngại về dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ, cuộc suy thoái kinh tế lần này mặc dù không phải là một cuộc suy thoái "kinh điển" mà do dịch bệnh gây ra, nhưng đã để lại những hậu quả rất nặng nề với nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động việc làm. Bởi vậy, đại biểu có 3 kiến nghị. Một là, tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và năng lực của khu vực phi chính thức. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp. Hai là, dành khoản chi phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân. Ba là, dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Quan tâm đến giải pháp huy động vốn
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một chương trình với quy mô vốn lớn nhất từ trước đến nay nên cần quan tâm đến giải pháp huy động vốn.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) |
Đại biểu cho rằng, đây là một chính sách vô cùng quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tập trung hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng, chịu thiệt hại nặng nề với đại dịch như dịch vụ du lịch, lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không, hay dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống.... Đồng thời đề nghị với ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, cần cải cách thủ tục hành chính để làm sao doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với chính sách này, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục vụ sản xuất, lại đem đi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng nêu ý kiến, việc tiếp tục miễn, giảm thuế phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh là cần thiết trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng nào, doanh nghiệp nào hay tất cả các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI hay không?
Đại biểu kiến nghị chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh...
Đồng tình với việc chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, chi cho công tác phòng, chống dịch, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị nhân lực cho ngành y tế. Cùng với đó, đại biểu đề nghị tới đây, tập trung cho tuyến cơ sở, với nhân lực và trang thiết bị, chính sách tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhất là cơ sở điều trị Covid-19. "Về an sinh xã hội, cần thống nhất lãi suất ngân hàng chính sách, vay vốn ngân hàng chính sách. Tuy nhiên cần giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn, vì thực tế có nhiều trường hợp vay không có khả năng hoàn trả, dẫn đến khả năng mất vốn" – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu U Huấn (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị hoạt động tài chính ngân hàng nên giảm 2% thuế giá trị gia tăng như các nhóm hàng hóa dịch vụ khác. Giải pháp tiền tệ là chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% trong hai năm vì ngoài tiết kiệm, tiết giảm chi phí quản lý thì nên hỗ trợ về thuế.