|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia "hiến kế" ổn định tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm

Bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng có nhiều điểm sáng, song kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm.

5 tháng đầu năm 2022, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2%; xuất khẩu 5 tháng đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% và nhập khẩu 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, Việt Nam xuất siêu 516 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 5 tháng đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%.

Giải pháp nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2022?
Sản xuất công nghiệp 5 tháng tiếp tục xu hướng hồi phục

Từ kết quả trên, nhiều tổ chức quốc tế đã nâng vị thế của Việt Nam trên các bảng xếp hạng. Cụ thể, Cơ quan nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO+3) đánh giá, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng ở mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% năm 2023. Còn theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19.

Còn theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, S&P Global Ratings (một trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"...

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo, kinh tế Việt Nam có thể đạt 5,5-6% và sẽ cao hơn trong năm 2023.

Giải pháp nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2022?
Thị trường xuất khẩu được mở rộng

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu sẽ gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ừng hàng hòa trong nước và thế giới. Cùng với đó, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Nếu chúng ta không có những giải pháp thích hợp, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% khó mà thành công trong năm 2022. Dự báo này cũng trùng với thông tin của ADB và BIDV đưa ra mới đây, khi dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt 5,5-6% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đã đề ra.

Để khắc phục tình trạng tăng giá nguyên liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian tới, bên cạnh sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời và linh hoạt, theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế.

“Trong đó, cần có những chính sách đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, vì năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có những biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng, phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể” – bà Nguyễn Thị Hương thông tin.

Bên cạnh vấn đề tăng giá xăng, dầu, sắt thép, phân bón,… theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp học viện Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp hiện còn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, điều đó sẽ tạo ra sức ép tăng giá đối với các mặt hàng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp và nền kinh tế” – ông Đinh Trọng Thịnh thông tin.

Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương cần thông qua những hệ thống thương vụ, đại sứ quán ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chủ động nguồn cung nguyên, vật liệu. Đồng thời, rà soát chính sách, xem xét giảm chi phí vận chuyển, chi phi logistics, chi phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

"Bởi trong bối cảnh hiện nay, không chỉ nguyên, nhiên liệu đầu vào gặp khó, mà kể cả sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, khi nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu tác động của lạm phát. Nếu không có những giải pháp kịp thời, rất có thể thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó" - ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất: Bên cạnh tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nguyên liệu sản xuất, khơi thông thị trường xuất khẩu thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào cải cách thể chế kinh tế, chuyển mạnh sang nền kinh tế số, Chính phủ điện tử và tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử - bởi đây không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Những tháng còn lại của năm 2022 là khoảng thời gian quyết định kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong cả năm. Đòi hỏi các cấp, ngành cần bám sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết