|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vấn đề biến đổi khí hậu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sau Hội nghị COP26, Chính phủ xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa các cam kết. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo bài bản về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và xác định trung tâm của ảnh hưởng là tài nguyên nước. Hiện đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và nhiều chính sách, kế hoạch hành động cụ thể với khoảng 60 dự án. Bên cạnh đó, đã có quy chế liên kết vùng, là cơ sở để các địa phương lựa chọn vấn đề ưu tiên trong giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra.

Về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo và cùng nhiều đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; thành lập các tổ công tác liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư….

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu

Trước đó, thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội nêu rõ những khó khăn do biến đổi khí hậu tác động lớn đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực trong cả nước, qua đó đề nghị cần có nghị quyết về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống hạn mặn trong thời gian tới.

Phát biểu tại Tổ 9 gồm đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang cực kỳ khắc nghiệt. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động nhưng vẫn chưa đủ, hậu quả người dân phải gánh chịu là rất nặng nề. Do đó, cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ông Nguyễn Trúc Sơn còn nhấn mạnh về vấn đề quản lý nguồn nước, chất lượng nước, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, nếu không chú ý đến thì chất lượng sức khỏe, dân số của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị phải có giải pháp lâu dài đối với hạn mặn và phải hết sức tập trung giải quyết, không để tình trạng này tái đi tái lại.

Tại Tổ 13 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phản ánh, thời gian gần đây, khi bước vào mùa hạn, mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, kinh doanh đang trở thành điểm nóng, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Người dân loay hoay để ứng phó với thiếu nước. Mặc dù, Chính phủ đã có những hỗ trợ, chỉ đạo nhưng chỉ mang tính trước mắt, không bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị cần phải bố trí được nguồn kinh phí từ nhiều nguồn để giải quyết vấn đề liên quan tới thủy lợi, đặt vấn đề vào đúng trọng tâm, đúng yêu cầu; hỗ trợ các địa phương để tiếp tục mở rộng, gia cố các công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước dự phòng để đảm bảo nước khi bắt đầu bước vào mùa khô hạn.

Chia sẻ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn tại các khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp như trong báo cáo, trong đó phải tập trung những giải pháp trong ngắn hạn và có tính đến dài hạn. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ lưu ý, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề nước ngọt, nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long đã được bố trí riêng 13 dự án thích ứng biến đổi khí hậu sử dụng vốn vay nước ngoài, với tổng quy mô vốn bằng 2/3 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang làm. Các dự án này góp phần khắc phục hạn mặn và biến đổi khí hậu, mở rộng không gian kinh tế, quốc phòng, an ninh... cho khu vực. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới việc triển khai các dự án được đẩy nhanh hơn nữa sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nóng đang được quan tâm.

Khả Như (T/H)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin