|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam (16/12/1991 – 16/12/2021): Phong trào công nhân lao động Dầu khí góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Giai đoạn 1998 – 2003, đất nước chuẩn bị chuyển giao sang thế kỷ mới, chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời điểm này, với vị trí và vai trò quan trọng, là đầu tàu trong nền kinh tế, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và lực lượng lao động Dầu khí đã nỗ lực khắc phục khó khăn để góp phần vào sự phát triển của ngành Dầu khí nói riêng và đất nước nói chung.

Sau hơn 10 năm tiến hành đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Cùng với các ngành sản xuất công nghiệp khác, dầu khí ngày càng có vị trí chiến lược đối với nền kinh tế quốc dân. Đại hội VIII của Đảng (tháng 6/1996), khẳng định nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với Ngành Dầu khí, Đại hội VIII của Đảng xác định xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng về dầu khí: “Tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu và khí, năm 2000 đạt khoảng 20 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó có khoảng 16 triệu tấn dầu thô và 4 tỷ m3 khí. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên doanh; nâng cao năng lực công nghiệp dầu khí quốc gia cả trong thăm dò, khai thác, chế biến và dịch vụ. Xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng khí thiên nhiên, khí đồng hành. Hoàn thành hai công trình đường ống dẫn khí để sử dụng 4,4-5 tỷ m3/năm. Xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 (6,5 triệu tấn/năm). Chuẩn bị xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 (hoặc mở rộng nhà máy số 1) và xây dựng ngành công nghiệp hóa dầu”.

Toàn cảnh đại công trường NMLD Dung Quất.

Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ trong khu vực cuối năm 1997 đầu năm 1998 có ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình kinh tế – xã hội nước ta. Hoạt động đầu tư nước ngoài giảm sút đáng kể; các hoạt động sản xuất – kinh doanh bị thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, nhiều vấn đề về văn hóa – xã hội nảy sinh, do vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trở nên cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, Ngành Dầu khí Việt Nam khắc phục khó khăn, phát huy những lợi thế, vững vàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân, viên chức, lao động.

Cùng với sự phát triển về quy mô và trình độ của Ngành Dầu khí, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành có sự lớn mạnh nhanh chóng. Từ đội ngũ 7.994 Công nhân, viên chức, lao động đã tăng lên 12.850 người năm 1997. Nguồn nhân lực lao động chất lượng cao của ngành đã có đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng

Triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn Dầu khí trong bối cảnh 5 năm (1998 – 2003), Ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến sản phẩm dầu khí cho Công trình công nghiệp và dân sinh, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm, thương mại, nghiên cứu khoa học – công nghệ, đào tạo, an toàn môi trường… và đạt được những thành tích to lớn, toàn diện.

Từ năm 1998, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam xúc tiến các hoạt động đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác ở nước ngoài; có cổ phần trong các hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác khác tại Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Algeria, Iraq… Các hoạt động đó đã mở ra hướng mới cho Ngành Dầu khí trong việc gia tăng trữ lượng dầu cho đất nước, đồng thời hội nhập vào các hoạt động dầu khí, tạo uy tín trong hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với các công ty dầu khí các nước khu vực và thế giới.

Kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty từ năm 1998 đến đầu năm 2003 đạt sản lượng khai thác 75,5 triệu tấn dầu thô và 7,96 tỷ m3 khí; tổng doanh thu gần 250.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 105.958 tỷ đồng. Trong kết quả đạt được đó có sự đóng góp rất quan trọng của tổ chức công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Ngành Dầu khí. Cùng với sự lớn mạnh của Ngành dầu khí, sự mở rộng sản xuất kinh doanh đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành dầu khí tăng nhanh về số lượng và chất lượng: từ 13.890 người năm 1998 đã phát triển lên gần 18.800 người năm 2002. Trình độ kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý và trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động dầu khí được nâng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Phần lớn những công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao tại công trình dầu khí trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm thì đến nay công nhân, viên chức, lao động dầu khí đã dần thay thế và khẳng định được khả năng của mình trên các hạng mục công trình mới. Nhiều người phát huy tinh thần lao động sáng tạo, tiên phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Năng lực công tác của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động không ngừng được nâng cao.

Quán triệt sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đẩy mạnh vận động công chức tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

CĐ DKVN phát động phong trào thi đua Lao động giỏi trong toàn ngành. Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng nội dung thi đua, quy chế thi đua khen thưởng, củng cố, kiện toàn Hội đồng thi đua các cấp, tổ chức ký kết chỉ tiêu và giao ước thi đua, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội được Tổng Công ty giao; phối hợp tổ chức phát động Cụm kho cảng Thị Vải, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Để phong trào thi đua Lao động giỏi thực hiện được mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhiều công đoàn cơ sở đề ra kế hoạch, nội dung, chương trình, động viên công nhân, viên chức, lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý. Với các hình thức phong phú, các tổ chức công đoàn đã vận động công nhân, viên chức, lao động hăng hái lao động, tham gia các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

CĐ DKVN tích cực chỉ đạo công đoàn các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến – cải tiến…

Từ năm 1998 – 2003, CĐ DKVN khắc phục những khó khăn, phát huy những thuận lợi, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ do Đại hội II Công đoàn Dầu khí đề ra; ra sức chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao vị thế của CĐ DKVN đối với công đoàn các nước trên thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc của Ngành Dầu khí Việt Nam. Những thành tựu mà CĐ DKVN được trong 5 năm chuyển giao thế kỷ tạo ra tiền đề cơ bản, vững chắc để công đoàn các cấp tiếp tục có bước phát triển cao hơn trong những năm tiếp theo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin