Cập nhật tình hình hoạt động đầu tư nguồn điện ở Hoa Kỳ và Trung Quốc
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước phát thải khí CO2 gây ấm lên toàn cầu lớn nhất thế giới. Tương lai của loài người phụ thuộc phần lớn vào quá trình giảm phát thải CO2 ở hai nước này, trước mắt là trong sản xuất điện.
Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tổng hợp từ các nguồn điện có công suất tối thiểu 1 MW, 6 tháng đầu năm 2022, nước Mỹ thêm được 15 GW công suất lắp đặt vào hệ thống điện. Trong đó có 5,2 GW điện gió, 4,3 GW điện khí và 4,2 GW điện mặt trời. Phần còn lại hơn 1 GW phần lớn là của pin lưu trữ, còn một ít của các nguồn nhỏ khác.
Kế hoạch đến cuối năm 2022 có vẻ khả quan hơn, khi điện gió và mặt trời sẽ có công suất đặt lần lượt là 11,2 GW và 17,8 GW, cao hơn so với điện khí 9,2 GW.
Công suất đặt ở nước Mỹ đến giữa năm như bảng dưới đây:
Loại nguồn ở Mỹ | Công suất đặt, tháng 6/2022 (GW) | Tăng, giảm so với 2021 (%) |
Thủy điện | 80 | 0 |
Nhiệt điện than | 202 | - 3,3 |
Nhiệt điện khí | 497 | +0,6 |
Điện hạt nhân | 95 | -0,8 |
Điện gió | 138 | +3,8 |
Điện mặt trời | 66 | +6,4 |
Cũng trong thời gian 6 tháng đầu năm 2022, nước Mỹ thải bỏ 6,7 GW điện than, 0,8 GW điện hạt nhân và 1,1 GW điện khí (do các nhà máy đó đã hết thời hạn sử dụng). Nhà máy điện than lớn nhất ngừng sản xuất là nhà máy William H. Zimmer ở bang Ohio, có công suất đặt 1.305 MW, bắt đầu hoạt động từ năm 1991. Nhà máy điện hạt nhân đóng cửa đợt này là nhà máy Palisades ở bang Michigan, bắt đầu hoạt động từ năm 1973.
Theo Hội đồng Năng lượng Trung Quốc (CEC): Đến cuối tháng 6/2022, tổng công suất đặt đạt 2,440 GW, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nguồn điện phi hóa thạch đạt 1,180 GW, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Loại nguồn ở Trung Quốc | Công suất đặt, tháng 6/2022 (GW) | Tăng so với cùng kỳ 2021 (%) |
Thủy điện | 400 | 5,9 |
Nhiệt điện than | 1.110 | 1,9% |
Nhiệt điện khí | 110 | 3,9% |
Điện sinh khối | 39,5 | 17,7% |
Điện hạt nhân | 55,55 | 6,5% |
Điện gió | 340 | 17,2% |
Điện mặt trời | 340 | 25,8% |
Như vậy, công suất đặt tất cả các loại hình nguồn điện của Trung Quốc đều tăng trong nửa đầu năm 2022, nhưng tốc độ tăng phân hóa rất mạnh. Tốc độ tăng của nhiệt điện than chỉ có 1,9%, trong khi đó điện gió và điện mặt trời tăng 17,2 và 25,8%. Đứng về giá trị tuyệt đối, 1,9% tăng công suất đặt điện than của Trung Quốc cũng đã là 21 GW, gần bằng toàn bộ công suất điện than hiện có của hệ thống điện Việt Nam.
So sánh Mỹ với Trung Quốc là việc không thể, vì nước Mỹ mọi thứ đã ổn định, phụ tải hầu như không tăng, trong khi Trung Quốc là nước đang phát triển, phụ tải tăng chưa có điểm dừng. Nhưng nhìn chung cả hai nước, tốc độ tăng trưởng công suất đặt điện gió và mặt trời cao hơn so với điện từ nhiên liệu hóa thạch./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM