|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần Thơ: Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Để bảo vệ và khai thác nguồn nước hiệu quả, TP.Cần Thơ đang quan tâm thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên nước, tránh tình trạng khai thác quá mức và gây ô nhiễm môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Phục vụ nhu cầu phát triển của người dân

Năm 2022, Sở TN&MT đã trình UBND TP.Cần Thơ cấp 88 giấy phép khai thác nước dưới đất, với tổng lưu lượng khai thác 169.956 m3/ngày, đêm; cấp 10 giấy phép khai thác nước mặt, với tổng lưu lượng 60.780 m3/ngày, đêm; ban hành 14 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước…

Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước thực hiện đúng quy định pháp luật và đúng theo chủ trương của UBND thành phố là nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước. Việc cấp phép này phù hợp với tình hình của địa phương và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong điều kiện biến đổi khí hậu (BÐKH) ngày càng phức tạp.

Cần Thơ: Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước - Ảnh 1

Cần Thơ đang tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước để phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân

Trong thời gian qua ngành chức năng TP.Cần Thơ đã triển khai hàng chục công trình thủy lợi khép kín nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu phát triển của người dân. Cùng với việc đầu tư các công trình đưa nước sạch đến với người dân, ngành chức năng TP.Cần Thơ cũng triển khai nhiều giải pháp tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để cung cấp đủ nguồn nước phục vụ các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu với quy mô lớn ở Phong Điền, Bình Thủy, Thới Lai, …

Ông Hoàng Ngọc Hiếu, người dân ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, vào mùa khô tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra, nhưng dưới các kênh rạch nơi tôi đang ở luôn đầy nước, qua đó tôi đã duy trì diện tích canh tác lúa, ổn định năng xuất, góp phần giúp cho kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn”.

Tương tự, chị Võ Lê Uyên Phương, người dân ở khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng cho biết, nhà chị có giếng khoan nước ngầm, nhưng vì nguồn nước không đảm bảo chất lượng, nên cứ khoảng hai ngày chị lại phải đi mua một thùng nước lọc 20 lít về sử dụng. Tính ra, trung bình mỗi tháng chị Phương mất khoảng 250.000đ tiền phục vụ ăn, uống.

“Mặc dù số tiền này không lớn, nhưng qua nhiều năm, nhiều tháng cũng tốn kém cho gia đình. Tới đây có nước sạch sử dụng rồi gia đình tôi không chỉ bớt đi một khoảng chi phí mua nước, mà còn tạo điều kiện cho tôi làm thêm một số món ăn, thức uống bán cho công nhân, cuộc sống gia đình sẽ đỡ vất vã hơn trước” – chị Phương chia sẻ.

Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP.Cần Thơ, ngoài các hoạt động trên, ngành TN&MT thành phố còn triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc mặn tự động tại 3 vị trí là cầu Cái Sắn, kênh Xà No và Cảng Cái Cui thuộc dự án Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai do BÐKH gây ra và tăng cường mạng lưới quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn tại TP.Cần Thơ.

Cùng với đó, phối hợp thực hiện các hoạt động tiếp theo của Dự án Nghiên cứu Kinh tế thích ứng BÐKH tại TP.Cần Thơ của Việt Nam, do Quỹ KfW và Quỹ giải pháp InsuResilience hỗ trợ; phối hợp thực hiện đề tài “Xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng” của Viện Nghiên cứu BÐKH (Trường Ðại học Cần Thơ)…

Các hoạt động trên nhằm mục tiêu bảo vệ, đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt, phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn TP.Cần Thơ nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Theo Sở TN&MT TP.Cần Thơ, năm 2022, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn được đơn vị thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Mọi hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước, xả thải nguồn nước ô nhiễm, có hóa chất… vào môi trường nước đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ðể bảo vệ và dự trữ nguồn tài nguyên nước trong sông, rạch, ao, mương, UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 3771/QÐ-UBND phê duyệt, công bố danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn. Theo Quyết định này có 64 hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn TP.Cần Thơ.

Cần Thơ: Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước - Ảnh 2

Cần Thơ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hồ, kênh, rạch trên dịa bàn thành phố

Sở TN&MT TP.Cần Thơ đã thông báo đến các sở, ban ngành thành phố và UBND các quận, huyện danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, đề nghị triển khai thực hiện những nội dung như tuyên truyền các danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn TP.Cần Thơ trên cổng thông tin điện tử của đơn vị đang quản lý. Tuyên truyền, phổ biến danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp đến các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, người dân đang sinh sống trên địa bàn biết, quản lý và thực hiện khai thông

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, kênh, rạch không được san lấp trên địa bàn mình quản lý, gửi về Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Hằng năm báo cáo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép, các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên sông, rạch, ao, hồ…

Đối với vấn đề này, ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP.Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngành TN&MT tăng cường quản lý tài nguyên nước, áp dụng chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất, hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tăng cường khai thác nước mặt, nơi có nước máy đủ cung cấp (đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng) thì không cấp phép khai thác nước dưới đất.

Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chương trình quan trắc nước dưới đất, nước mặt do Trung tâm Quan trắc TN&MT thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác nhằm quản lý, kiểm soát hiệu quả nguồn nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các Ðề án "Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP.Cần Thơ", Dự án "Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.Cần Thơ"; lập quy hoạch và điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP.Cần Thơ…".

Phạm Thạch


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết