|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BR-VT: Khai thác các mỏ khoáng sản tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên

Từ năm 2016 đến nay, các sở, ngành chức năng, các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành 3.660 buổi kiểm tra; qua đó phát hiện, xử lý và tham mưu UBND tỉnh xử lý 773 trường hợp khai thác khoáng sản không phép, trái phép.

Đánh giá về việc quản lý, khai thác các mỏ khoáng sản trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cho rằng, việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, khó khăn, đồng thời việc khai thác qua đã tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên.

BR-VT: Khai thác các mỏ khoáng sản tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên - Ảnh 1

Chủ đầu tư mỏ đá núi Thơm bỏ quên việc "hoàn nguyên" môi trường sau khi hết hạn khai thác.

Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác

Thông tin về tình hình khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh BR-VT, đại diện Phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh BR-VT) cho biết, tính đến hết tháng 3/2022 trên địa bàn tỉnh có 7 giấy phép thăm dò đá xây dựng; 39 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, với diện tích 855,87ha.

Cũng theo Phòng Tài nguyên Khoáng sản, trong số 39 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực có 7 giấy phép do Bộ TN&MT cấp phép theo thẩm quyền và 32 giấy phép do UBND tỉnh BR-VT cấp theo thẩm quyền. Trong đó, các mỏ được cấp phép chủ yếu là mỏ đá xây dựng, puzolan, nước khoáng nóng, sét gạch ngói, than bùn, cát xây dựng và vật liệu san lấp... Hầu hết các khoáng sản khai thác đều được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về việc công tác quản lý, kiểm tra và xử lý đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, đại diện Sở TN&MT tỉnh BR-VT cho biết, từ năm 2016 đến nay, các sở, ngành chức năng, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành 3.660 buổi kiểm tra; qua đó phát hiện, xử lý và tham mưu UBND tỉnh xử lý 773 trường hợp khai thác khoáng sản không phép, trái phép.

Trong đó, tịch thu 39.350m3 cát, 189 máy bơm, 13 xe đào và 7 ô tô tải; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 17,58 tỷ đồng; kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm 10 cán bộ, công chức cấp xã… Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh BR-VT cũng cho biết thêm, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 điểm mỏ đã kết thúc khai thác, với 334,2ha.

Nhận xét về những đóng góp của việc khai thác khoáng sản trên địa bàn, Sở TN&MT tỉnh BR-VT cho biết, đóng góp chủ yếu và quan trọng nhất của hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là cung cấp nguồn nguyên liệu xây dựng tại chỗ. Nhất là đá xây dựng, đáp ứng một cách chủ động nhu cầu sử dụng rất lớn và ngày một tăng về đá xây dựng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT tỉnh BR-VT cũng thừa nhận rằng, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn thời gian qua đã tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên. Việc khai thác khoáng sản đã mất đi thảm thực vật tại khu vực khai thác và ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật xung quanh, làm thay đổi địa hình tự nhiên, gây mất mỹ quan về lâu về dài mà khó có thể phục hồi về nguyên trạng, dù các doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Khai thác rồi “quên” trách nhiệm

Theo Sở TN&MT tỉnh BR-VT, hiện 28/42 điểm mỏ đã có quyết định đóng cửa có mặt bằng sau khai thác tạo thành hồ chứa nước hoặc một phần mỏ tạo thành hồ chứa nước. Việc phục hồi môi trường tại những khu vực này không diễn ra theo quy định mà chỉ là tận dụng các mỏ sau khai thác này làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp; công tác bảo vệ rất sơ sài, gây nguy hiểm cho những người dân sống xung quanh.

Trước những bất cập trên, ông Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh BR-VT, cho biết, thời gian tới, sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của các doanh nghiệp, Sở TN&MT sẽ đôn đốc, theo dõi sát sao các doanh nghiệp về việc đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường sau khai thác theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp nào không thực hiện, Sở sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định.

“Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng các mỏ sau khai thác khoáng sản đang làm hồ chứa nước, đang khai thác hoặc đã kết thúc khai thác để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng xử lý...”, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch tham mưu tỉnh xem xét ban hành quyết định thu hồi đất, điều chỉnh các quyết định thu hồi để giao về cho địa phương quản lý đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác đã đóng cửa mỏ.

Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, cần áp dụng các quy định của pháp luật để thẩm định kinh phí cải tạo phục hồi môi trường ở mức cao nhất; đảm bảo số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp đủ để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác (có tính yếu tố trượt giá).

Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, ngành chức năng sẽ sử dụng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

BR-VT: Khai thác các mỏ khoáng sản tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên - Ảnh 2

Hiện trường vụ khai thác cát lậu tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Free Land (ấp Láng Hàng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) do Công ty Cổ phần Free Land làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cho rằng, công tác quy hoạch sử đất và quy hoạch tài nguyên khoáng sản còn mâu thuẫn; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thuê đất để khai thác khoáng sản còn chậm, nhiều trường hợp đã được cấp phép khai thác nhiều năm nhưng không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để tiến hành thuê đất, đưa mỏ vào khai thác.

Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh BR-VT cũng cho biết, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường; còn nhiều trường hợp doanh nghiệp khai thác quá độ sâu, khai thác ngoài ranh cấp phép, ngoài ranh thuê đất, kê khai chưa đầy đủ sản lượng đã khai thác. Cùng với đó, công tác đóng cửa mỏ, việc thu hồi đất sau khi đóng cửa để tạo quỹ đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, các mỏ sau khai thác còn để lại những hố sâu nguy hiểm…

Theo Sở TN&MT tỉnh BR-VT, trước những bất cập nêu trên sở đã kiến nghị UBND tỉnh, tiếp tục kiến nghị các cơ quan Trung ương có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, rà soát loại bỏ và không tiếp tục quy hoạch, cấp phép khai thác tại các khu vực mặt bằng sau khai thác thấp hơn địa hình tự nhiên xung quanh. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản; tăng cường sự phối hợp với các sở, ngành có liên quan; tiếp tục chủ động nắm tình hình đối với các điểm mỏ để kịp thời phát hiện các sai phạm của các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hành vi khai thác vượt độ sâu, ngoài ranh cấp phép, ngoài ranh thuê đất và kiểm soát sản lượng khai thác…

Thư Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết