|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bỏ xử phạt hành chính, lo ngại các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lo "khoảng trống" pháp luật

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - đoàn Thái Bình nhận định, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) một cách toàn diện trong bối cảnh mới chính là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ, kiến tạo thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng hiện nay.

Bỏ xử phạt hành chính, lo ngại các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tuy nhiên, góp ý về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT với sáng chế sở hữu công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp. Bởi việc này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

“Vì vậy, nên giữ theo luật hiện hành vì nếu sửa đổi theo phương án 1 sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta và điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng trong hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự” - đại biểu Nguyễn Văn Huy đề xuất, đồng thời cho hay, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cần quy định để bảo đảm kịp thời nhằm tăng tính răn đe, cùng kết hợp các biện pháp xử lý khác.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - đoàn Thái Nguyên nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT lần này tương đối cụ thể và rất quan trọng, tạo cơ hội cho Việt Nam khi gia nhập CPTPP và EVFTA, nhất là tạo nền tảng cơ sở vững chắc đề Việt Nam không bị lúng túng dẫn đến thua thiệt khi bước vào sân chơi quốc tế.

Song, đại biểu Nguyễn Công Hoàng còn băn khoăn với một số quy định trong dự thảo. Cụ thể, về quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học dùng ngân sách Nhà nước, đại biểu đồng tình lựa chọn phương án giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ đó một cách tự động không phải bồi hoàn trừ các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

“Đây là quy định theo tôi hướng tới mục đích đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam, đồng thời cởi trói cho chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học trong quá trình đưa kết quả nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn” - đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho biết.

Đối với vấn đề thu hẹp hay không việc chế tài xử lý hành chính với những vi phạm về SHTT đại biểu cũng đồng ý lựa chọn phương án giữ nguyên quy định hiện hành. “Quy định xử phạt hành chính với hành vi phạm vừa giúp giải quyết được ngay các hành vi vi phạm đó và cũng là tiền đề cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Nguyễn Công Hoàng nói.

Cần xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm

Cũng băn khoăn về việc không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền SHTT, đại biểu Nguyễn Danh Tú - đoàn Kiên Giang đề nghị lựa chọn phương án 2 - áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bởi nếu theo phương án 1, không xử phạt hành chính mà chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Đồng thời, theo đại biểu, hành vi xâm phạm đối với quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội.

Bên cạnh biện pháp dân sự, xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 Bộ luật hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

“Nếu loại trừ biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bị mật kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan Nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên” - đại biểu Nguyễn Danh Tú bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - đoàn Lào Cai cho rằng, việc thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực SHTT, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT.

Ở góc độ khác, đại biểu Dương Bình Phú, đoàn Phú Yên góp ý thêm về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đại biểu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định vị thế, nâng cao giá trị cho nông sản trên thị trường quốc tế, phục vụ tích cực cho việc xuất khẩu. Do vậy, vấn đề đặt ra cho các tỉnh thành phố trên cả nước là phải quản lý làm sao cho hiệu quả để thực sự nâng cao giá trị của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

“Tôi nhận thấy, quy định về vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lý còn chưa được cụ thể. Ví dụ, ở địa phương, cơ quan nào, tổ chức nào quản lý là phù hợp nhất, bảo đảm tốt nhất lợi ích cho người dân” - đại biểu Quốc hội đoàn Phú Yên nêu, đồng thời đề nghị, khi đã giao quyền quản lý thì văn bản quy định chi tiết của Chính phủ phải được quy định rõ về cơ chế quản lý để kiểm soát chất lượng, quy trình, cách thức sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Quỳnh Nga - Lan Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin