Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Coi rác thải là một loại tài nguyên cần tái chế, sử dụng hiệu quả"
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường. Do đó, về cơ bản, rác thải phải biến thành tài nguyên, rác thải phải được tái sử dụng theo đúng yêu cầu trong kinh tế tuần hoàn.
Sẽ phát triển thành ngành công nghiệp xử lý rác thải
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Bình Dương) đặt ra hai vấn đề cấp bách hiện nay. Cụ thể, thực trạng vệ sinh môi trường và đô thị đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là rác thải và nước thải. Tình trạng này gây ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước, đất và phát thải khí nhà kính. Theo Bộ Xây dựng, hiện nay mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%. Thứ hai, hiện cả nước đang thải ra hơn 60.000 tấn rác, 70% lượng rác chủ yếu chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, vậy Bộ TN&MT có biện pháp gì xử lý lượng rác thải này?”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định đây là những vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua. Theo đó, các vấn đề về chính sách, pháp lý quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường. Đây là tài nguyên không tái chế, không sử dụng hiệu quả. Về cơ bản, rác thải phải biến thành tài nguyên, rác thải phải được tái sử dụng theo đúng yêu cầu trong kinh tế tuần hoàn.
"Trách nhiệm của người dân rất quan trọng và việc này cũng cần xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ thêm, và sau này trở thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý rác thải, có những ưu tiên, ưu đãi".
Người đứng đầu Bộ TNMT cũng thông tin thêm, trong năm 2022 Bộ sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải. Bộ sẽ công bố các công nghệ phù hợp với các địa phương và trên hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng. Năm 2024 sẽ thực hiện và trong năm 2022 sẽ chuẩn bị đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó, tại các địa phương sẽ có hướng dẫn và lựa chọn để có cách xử lý phù hợp.
Chất thải của người bệnh Covid-19 sẽ xử lý thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu TP.Hà Nội đặt câu hỏi về giải pháp giải quyết hiệu quả thu gom rác thải, nhất là rác thải có chứa chất lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đánh giá như thế nào về quá trình chuyển dịch hạn chế dùng túi chất dẻo, túi nylon đã phát động ở nước ta mấy năm trước. Và để làm tốt hơn chiến dịch này cần có những giải pháp gì?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ đầu Bộ đã xác định đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Chất thải do người bệnh Covid-19 thải ra được quản lý theo quy định chất thải nguy hại.
Ông Trần Hồng Hà cho biết, chất thải y tế thì do Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, Bộ TNMT đã có những văn bản cùng Bộ Y tế để có những hướng dẫn cụ thể về xác định đối tượng, phương pháp thu gom. Bộ TNMT cũng cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý loại chất thải này trên cả nước.
Với vai trò là cơ quan quản lý, thời gian qua Bộ TNMT đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, Bộ Quốc phòng trong vấn đề lựa chọn đánh giá các công nghệ để xử lý, kể cả vấn đề xử lý mai táng đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, hiện nay khi người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, rác thải cũng được xem là nguồn lây bệnh thì Bộ Y tế đã có hướng dẫn và coi rác thải của người mắc Covid-19 tại nhà là rác thải y tế, từ đó có những quy định, quy trình để xử lý theo đúng quy định.
Thực tế hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý chất thải của người bệnh cách ly tại nhà, đặc biệt trong việc phân loại, thu gom chất thải; trong đó, tiếp tục triển khai các việc như: thu gom tại các hộ gia đình sống tại khu chung cư, khu đô thị tập trung (có đơn vị quản lý hạ tầng khu vực) và thu gom tại các hộ gia đình cách ly tại nhà riêng lẻ trong khu dân cư. Chất thải được thu gom, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế và chuyển về các điểm tập kết tại các địa phương và chuyển giao cho các cơ sở xử lý, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường.
Theo kế hoạch, chiều nay 16/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nội dung gồm việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng sẽ giải trình việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Lan Anh