Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá trong nước và xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 5/10.
Khó khăn lớn do dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã lan rộng với những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch cả trong và ngoài nước.
Cung cầu thiếu kết nối, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy do thiếu lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất cộng với hạn chế giữa lưu thông vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, năng lực hoạt động logistics còn hạn chế khiến người dân, nhà phân phối đang gồng mình gánh chịu trước tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng phức tạp trên toàn quốc.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản các địa phương trong vùng dịch |
Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ thêm, nếu như năm ngoái, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao sáng” khi tăng trưởng đến 2,9% trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì năm nay tổng thể đã có sự thay đổi. Quý III/2021, tăng trưởng cả nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8,9, các chỉ số đều xấu đi như sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Dịch vụ ảnh hưởng nặng nề. Tiêu dùng, bán lẻ chưa bao giờ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như năm nay. Vận chuyển hành khách, hàng hoá giảm. Hàng chục triệu người mất việc làm… Vì sao lại nặng nề như vậy? Vì thời gian qua, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch lớn nhất trên thế giới. Trong khi tốc độ tiêm vắc xin rất chậm. Chưa kể, dịch đã đánh mạnh vào trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ… gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Phân tích rõ hơn, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho hay, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử đã đối mặt với sự suy giảm mạnh nguồn cung nguyên liệu từ thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta là Trung Quốc.
Khi khó khăn về nguồn cung được giải quyết thì doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực vận tải hàng hóa đẩy giá cước logistics tăng cao. Giá cước trung bình của một containers cao gấp 4 lần so với 1 năm trước và cao gấp hơn 5 lần so với 2 năm trước. Bên cạnh việc giá cước tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, hiện tượng mất cân bằng vỏ container tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á là một nút thắt quan trọng với chuỗi cung ứng hàng hóa thương mại quốc tế. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ở trong nước, dịch bệnh bùng phát khiến các địa phương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương có những biện pháp chống dịch cực đoan, thái quá đã gây ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng.
Đơn cử, Chính phủ đã ra văn bản cho phép tất cả hàng hoá được lưu thông, trừ hàng cấm. Song nhiều địa phương như Cần Thơ đòi hỏi khi xe đi qua địa phương phải sang tải hoặc đổi tài xế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tài xế chỉ cần có test nhanh hoặc xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ là được lưu thông, song một số địa phương như Quảng Ninh bắt buộc tài xế phải có test PCR trong 48 tiếng mới cho xe đi qua.
“Những quy trình chống dịch cực đoan và chưa đồng bộ này đã vừa gây đội chi phí cho doanh nghiệp, vừa gây áp lực tâm lý rất lớn cho tài xế. Trong khi đây là lực lượng quan trọng trong chuỗi cung ứng” – ông Hải chỉ rõ.
Doanh nghiệp cần chủ động phòng chống dịch
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 3-3,4%. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng quý IV phải đạt 7% trở lên. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.
Theo các chuyên gia, để duy trì sản xuất kinh doanh, nếu như giai đoạn trước, việc phòng chống dịch hướng tới mô hình tập trung với vai trò chủ thể là địa phương thì thời gian tới, cần hướng tới vai trò chủ thể là doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp cần duy trì sản xuất và họ sẽ có ý thức làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. “Các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch hiện nay, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định chuỗi cung ứng” – ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải nêu rõ, các doanh nghiệp nên có phương thức kinh doanh phù hợp. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp không thể duy trì được sản xuất kinh doanh như bình thường và tình trạng này sẽ còn kéo dài. Cho nên, cần tính toán xem có thể thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng được xem là phép thử cho doanh nghiệp. Cùng với dịch bệnh, doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác như thiên tai, rủi ro thị trường… Cho nên việc xây dựng chiến lược quản lý rủi ro thực chất hơn là việc của tất cả doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực là điều đáng lo ngại nhất. Vừa rồi khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, nhiều người lao động đã trở về địa phương. Cho nên việc cần thiết là làm sao sắp xếp nhân sự thay thế. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số để đa dạng phương thức kinh doanh.
Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Những chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp sắp tới cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, quyết định đủ nhanh" |
Ở góc độ vĩ mô, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm, thời gian qua, những hỗ trợ của nhà nước có nhiều điểm tương đồng với thế giới như diện hỗ trợ rộng, cách thức hỗ trợ nhiều, song quy mô hỗ trợ còn khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, ngoài những hỗ trợ về ngân sách, dư địa về chính sách hỗ trợ của ta còn rất lớn.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Dù với hình thức nào thì những chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp sắp tới cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, quyết định đủ nhanh mới có thể kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp”.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng, nhất là nông sản các địa phương trong vùng dịch. Đồng thời, sẽ báo cáo, kiến nghị Chính phủ với những kiến nghị vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Phương Lan - Bùi Hùng