|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 5/2022

Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ về năng lượng tái tạo do Bộ Điện lực và Năng lượng mới & năng lượng tái tạo và Bộ Ngoại giao Ấn Độ phối hợp tổ chức trong 2 ngày 7 và 8/2 với chủ đề “Kinh nghiệm và những đổi mới sáng tạo cho thị trường năng lượng tái tạo hợp nhất”.

ASEAN - Ấn Độ thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo

Tại hội nghị, các quan chức ASEAN - Ấn Độ đã thảo luận về tham vọng năng lượng tái tạo, những tiến bộ đã đạt được và các lĩnh vực ưu tiên đối với quốc gia, đồng thời nhắc lại cam kết thúc đẩy hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng mới & năng lượng tái tạo Ấn Độ R. K. Singh đã hoan nghênh nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm phát triển lưới điện ASEAN. Ấn Độ nhận thấy những cơ hội mở rộng lưới điện chung này ra bên ngoài khối tới tiểu lục địa Ấn Độ, phù hợp với sáng kiến “Một mặt trời, một thế giới, một lưới điện” do New Delhi khởi xướng.

Bộ trưởng Singh cũng chúc mừng Indonesia nhậm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2022, khẳng định New Delhi sẽ hợp tác chặt chẽ với Jakarta nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. 

Ảnh minh họa

Cũng tại hội nghị, tất cả các đại biểu cấp bộ trưởng đều thừa nhận mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra và nhắc lại ý định chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để xây dựng một tương lai bền vững. 

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xác định các lĩnh vực và sáng kiến cụ thể trong lĩnh vực này. Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ có 5 phiên họp kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia từ Ấn Độ và ASEAN về những chủ đề cùng quan tâm. Các phiên họp cũng mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới xem xét những kế hoạch của Ấn Độ - ASEAN trong việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai.

Đề xuất cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời với các dự án chuyển tiếp

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản đề xuất cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp.

Tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 26/6/2011 quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao: “Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 01 tháng 11 năm 2021”. Bên cạnh đó, tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương: “Nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, lộ trình thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai trên toàn quốc”.

Bộ Công Thương đề xuất cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời với các dự án chuyển tiếp

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực, đã có nhà đầu tư, đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các dự án này không kịp mốc thời gian được áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) quy định tại Quyết định 13, Quyết định 39. Do đó, cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt nhưng chưa triển khai đến thời điểm ngày 26/1/2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng hoàn thiện Quy hoạch điện 8 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với các dự án trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm ngày 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện FIT quy định tại Quyết định 13, Quyết định 39, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương (quy trình xây dựng khung giá, đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng mua bán điện thực hiện theo quy định hiện hành).

Đồng thời, giao Bộ Công Thương xây dựng và ban hành thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió nêu trên.

Năng lượng tái tạo là một trong các lĩnh vực trụ cột Bạc Liêu thu hút đầu tư

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 7/2/2022 ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Bạc Liêu.

Theo quyết định, về định hướng thu hút đầu tư, trong năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột gồm: phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.

Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là 1 trong 5 lĩnh vực trụ cột Bạc Liêu thu hút đầu tư trong năm 2022

UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chương trình này. Hàng quý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình và kết quả triển khai thực hiện theo nội dung của chương trình; xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động xúc tiến đầu tư để triển khai thực hiện, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán chi tiết cho từng hoạt động của kế hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt...

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin