|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 38/2022

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn số 5642/BCT-DKT về việc xin ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lấy ý kiến đối với dự thảo quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Căn cứ quy định tại Điều 19, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Điều 30 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ Công Thương xin ý kiến góp ý đối với dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được hoàn thiện.

Theo đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập với những mục tiêu cụ thể như sau:

Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Bộ Công Thương xin ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011 - 2018, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050.

Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ cho phát triển kinh tế - xã hội, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; đánh giá sự liên kết, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế. Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng…

Văn bản góp ý Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề nghị gửi về Bộ Công Thương trước ngày 30/9/2022.

Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện gió hơn 4.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo Quyết định 1662/QĐ-UBND, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư với dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP Năng lượng gió Xuân Trường.

Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 được triển khai tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Quy mô về công suất: 50 MW, điện lượng bình quân là 180 GWh/năm. Tổng diện đất dự kiến sử dụng 32,5ha (trong đó diện tích đất tạm thời là 15ha); tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.212 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành Quyết định 1663/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư với dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 2. 

Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty CP Năng lượng gió Cao Nguyên. Quy mô về công suất dự án: 48 MW, điện lượng bình quân 170 GWh/năm; tổng vốn gần 2.200 tỷ đồng. Dự án được triển khai tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là 31,2ha (diện tích đất tạm thời là 14,4ha). 

Về tiến độ, cả 2 dự án sẽ được triển khai thực hiện từ quý III/2022 đến quý II/2025. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư các dự án hoàn thành đầy đủ thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục khác có liên quan theo đúng quy định hiện hành trước khi triển khai thực hiện dự án.

Lắp đặt thành công trạm đo gió dự án điện gió ngooài khơi Bến Tre

Mới đây, Tập đoàn năng lượng tái tạo Mainstream và đối tác Việt Nam – Tập đoàn AIT đã lắp đặt thành công hệ thống đo gió LiDAR cho dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre, công suất 500 MW, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển dự án này.

Theo đại diện Tập đoàn Mainstream, LiDAR (Lighe Detection and Ranging) là hệ thống đo xa tiên tiến nhất hiện nay, được dùng trong các dự án điện gió ngoài khơi nhằm thiết lập các bản đồ gió và cung cấp dữ liệu tin cậy cho việc xác định sản lượng điện tiềm năng của một khu vực. Hệ thống này tại dự án Bến Tre là trạm đo gió xa bờ ở Việt Nam, được lắp đặt trên giàn nổi cố định ngoài khơi cách bờ biển tỉnh Bến Tre 40km, nơi có mực nước sâu 25m.

Việc lắp đặt thành công hệ thống LiDAR là bước tiến quan trọng để đạt mục tiêu đưa toàn bộ dự án vào vận hành thương mại trong năm 2026

Trạm này sẽ liên tục thu thập và truyền qua vệ tinh các dữ liệu về gió trong suốt 18 tháng. Sau khi đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn và khảo sát địa chất biển, viêc lắp đặt thành công hệ thống LiDAR là bước tiến quan trọng để đạt mục tiêu đưa toàn bộ dự án vào vận hành thương mại trong năm 2026.

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre có tổng vốn đầu tư ước tính 1,4 tỷ USD, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, ước tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát triển hơn 70 GW năng lượng gió ngoài khơi để thay thế dần nguyên liệu hóa thạch, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trước đó, Tập đoàn Mainstream đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi Bến Tre với Tập đoàn AIT vào năm 2020.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin