|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 28/2023

Mới đây, tại tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức cho Đoàn đại biểu Quốc hội ở các Ủy ban của Quốc hội tham gia Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Chia sẻ những thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch

Khóa học chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng dành cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam là một ví dụ điển hình về tăng cường hỗ trợ của Australia trong lĩnh vực khí hậu, năng lượng ở Việt Nam. Khóa học do các chuyên gia hàng đầu của Đại học Quốc gia Australia giảng dạy, góp phần quan trọng trong tăng cường năng lực phân tích chính sách và ra quyết định, đồng thời tăng cường kết nối giữa các cơ quan liên quan của hai quốc gia.

Hội thảo trước khóa học đã được tổ chức để giới thiệu các xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, giới thiệu những kinh nghiệm của Australia về xây dựng chính sách khí hậu, năng lượng, cũng như phát triển hệ thống năng lượng hài hòa được các mục tiêu về an ninh năng lượng, chi phí hợp lý và mục tiêu khí hậu.

Australia tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực khí hậu, năng lượng ở Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Năng lượng và biến đổi khí hậu là chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm bởi đây là những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng sẽ góp phần hỗ trợ cho các đại biểu Quốc hội có thêm kiến thức, nghiên cứu về việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ này ở Australia nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung.

Thông qua đó, các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp ý kiến, đề xuất vào những chính sách, sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực này một cách hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, hội thảo cũng được tổ chức nhằm nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia cũng như hướng tới nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Tại hội thảo, GS. Frank Jotzo (Đại học Quốc gia Australia) giới thiệu xu hướng toàn cầu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; những kinh nghiệm của Australia trong việc chuyển dịch năng lượng tái tạo và đề xuất cho Việt Nam…

Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với chính sách giá điện, thị trường điện

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp” tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong lĩnh vực năng lượng, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài

Chính sách giá điện, thị trường điện ở nước ta là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam…

Đây cũng là chủ đề thời sự, được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội quan tâm; có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa rất lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nói chung và phát triển điện lực nói riêng.

Kết quả hội thảo sẽ giúp Đoàn giám sát có thêm cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị “đúng” và “trúng” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có chính sách, pháp luật về giá và thị trường điện, hướng tới mục tiêu dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày tham luận, thảo luận về nhiều vấn đề như: hệ thống, chính sách pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam – một số vấn đề đặt ra và giải pháp; hệ thống, chính sách pháp luật về giá điện và thị trường điện Việt Nam – thực trạng và giải pháp hoàn thiện; thực trạng vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, giá điện trên thị trường cạnh tranh: hiện trạng và dự báo biến động; chính sách phát triển điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà; giá điện Việt Nam: so sánh tương quan với giá điện các nước trong ASEAN…

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin