Bản tin năng lượng số 15/2022
Trong các chuyên đề sẽ được trình để Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 có chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Trình Quốc hội 4 chuyên đề giám sát, trong đó có năng lượng tái tạo
Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.
Thực hiện quy định của pháp luật, trên cơ sở đề xuất của 69/77 cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. (Ảnh: quochoi.vn)
Trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Theo đó, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề như sau:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030);
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo;
Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020.
Thông qua việc biểu quyết lựa chọn chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát bao gồm: chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình kỳ họp thứ 3 để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
Tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng 2 dự án điện mặt trời
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn mới đây đã chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến liên quan đến dự án Nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê.
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án có quy mô 33,9ha tại đầm An Khê, xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ) với công suất thiết kế 50MWp. Tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là quý IV/2024.
Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy điện mặt trời Đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8ha tại đầm An Khê, xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ). Công suất thiết kế dự án là 50MWp. Tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đến quý IV/2024.
Năm 2017, trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi có kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại khu vực đầm An Khê ở xã Phổ Khánh và đầm Nước Mặn ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Các dự án phải kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của khu vực.
Một góc đầm An Khê
Trao đổi tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đối với 2 dự án này. Các đại biểu cho rằng, khai thác nguồn năng lượng mặt trời trên vùng mặt nước để phát điện là cần thiết, góp phần bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, khu vực đề xuất dự án chưa phù hợp với đồ án Quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2035, chưa được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch chung phát triển điện lực quốc gia.
Khu vực đề xuất dự án còn có nguy cơ phá vỡ không gian sinh tồn và ảnh hưởng đến không gian văn hóa Sa Huỳnh. Trong khi đó, đầm An Khê đã được đưa vào khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Dự án có thể gây cản trở trong việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu tạm dừng việc đầu tư cả 2 dự án cho đến khi được Chính phủ duyệt bổ dung vào Quy hoạch chung phát triển điện lực quốc gia.
Ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, khi nào có quy hoạch, để có cơ sở triển khai dự án thì cần xác định hiệu quả kinh tế của dự án đối với nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Rà soát lại nhiệm vụ cắm mốc bảo vệ khu vực di tích tại đầm An Khê. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác định rõ giá trị văn hóa cần bảo tồn của khu vực đầm An Khê nếu làm hồ sơ đề nghị di tích quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan đánh giá tác động kinh tế, xã hội, mức độ tác động đến đời sống kinh tế của các hộ dân sống xung quanh khu vực đầm An Khê và tác động môi trường của dự án để có thông tin rõ ràng, lấy ý kiến đầy đủ của người dân nếu tiếp tục triển khai dự án…
Trao đổi về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh vừa tiếp và làm việc với ông Troels Jakobsen, Tham tán Thương mại kiêm quyền Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, trao đổi về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Theo ông Troels Jakobsen, với vị thế là nhà đầu tư tiên phong tại nhiều thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi, Tập đoàn CIP của Đan Mạch đã đạt nhiều thành công trong việc cung cấp tài chính, phát triển và vận hành các dự án, tiêu biểu như: dự án Changfang Xidao 600MW tại Đài Loan (Trung Quốc) – huy động được 3 tỉ USD, giữ kỷ lục về huy động vốn lớn nhất trong các dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; dự án Vineyard 800MW tại Hoa Kỳ đã thu xếp vốn thành công 2 tỉ USD.
Bên cạnh việc tập trung phát triển danh mục các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu, Tập đoàn CIP cũng đang có kế hoạch nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, Công ty Conpenhagen Offshore Partner (COP) - công ty thành viên của Tập đoàn CIP đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận (3.500MW), hiện đang trong giai đoạn xin cấp phép khảo sát ngoài khơi.
Ảnh minh họa
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn CIP cũng đã trao đổi với EVN về kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển dự án tại các thị trường khác ngoài Việt Nam và tìm hiểu khả năng hợp tác với EVN trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, nhằm góp phần đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, EVN sẵn sàng trao đổi hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Đan Mạch có kinh nghiệm và nguồn tài chính để phát triển nguồn điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Ngân Hà