|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 12/2024

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước.

Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

Xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII trong thời kỳ quy hoạch; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện. Định hướng cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII.

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Về danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.

Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030: tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.

Thủ tướng phê duyệt danh mục các chương trình, công trình, dự án trọng điểm ngành năng lượng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Theo đó, ban hành kèm theo quyết định là Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Trong đó, có 12 dự án nguồn điện gồm: Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Quảng Trạch I; NMNĐ LNG Quảng Trạch II; thủy điện Hòa Bình mở rộng; thủy điện Ialy mở rộng; thủy điện Trị An mở rộng; thủy điện tích năng Bác Ái; NMNĐ Long Phú I; NMNĐ Nhơn Trạch III và Nhơn Trạch IV; NMNĐ LNG Hiệp Phước giai đoạn 1; NMNĐ LNG Long An 1; NMNĐ LNG Long An 2; Nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa.

28 dự án lưới điện: các dự án tăng cường liên kết lưới điện Bắc – Trung, tăng cường năng lực truyền tải và cung cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn (15 dự án); các dự án lưới điện đồng bộ và giải tỏa công suất các dự án nguồn điện (6 dự án); các dự án lưới điện giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện phía Bắc và tăng cường mua điện từ Trung Quốc (4 dự án); các dự án lưới điện phục vụ mua điện từ Lào (3 dự án).

Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi thuộc Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng

Bên cạnh đó là các chuỗi dự án khí – điện: chuỗi dự án khí – điện Lô B; chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh; chuỗi dự án khí - điện LNG Sơn Mỹ. Các dự án kho LNG và nhà máy điện sử dụng LNG làm nhiên liệu: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghi Sơn, Hải Lăng giai đoạn 1, Cà Ná, Bạc Liêu. 2 dự án lọc hóa dầu: dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (Long Sơn).

Danh mục cũng bao gồm: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030; Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo quyết định, trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương rà soát, tổng hợp ý kiến, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục phù hợp yêu cầu thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hải Phòng tìm nhà đầu tư cho dự án nhà máy điện rác tại quận Hải An

Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng vừa công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2.499 tỷ đồng.

Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 786/QĐ-UBND về việc phê duyệt thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Dự án được thực hiện trên khu đất 10,56 ha, phường Đông Hải 2, quận Hải An. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt có thu hồi năng lượng để phát điện với công suất xử lý 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày và phát điện khoảng 20MW.

Ảnh minh họa

Đây là nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, đồng bộ để chuyển đổi từ công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, từ công nghệ đốt rác không thu hồi năng lượng đang áp dụng hiện nay sang công nghệ đốt có thu hồi năng lượng để phát điện nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường. Đáp ứng mục tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Hải Phòng và các vùng lân cận, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân vì mục tiêu phát triển bền vững.

UBND thành phố Hải Phòng giao Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng làm bên mời thầu đối với việc lựa chọn đầu tư thực hiện dự án.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin