Bản tin môi trường số 9/2022
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã tiếp Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế A-nu-lắk Kít-ti-khun để cùng trao đổi về tình hình hoạt động của Ủy hội.
Hợp tác xây dựng khu vực sông Mê Kông phát triển bền vững
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông A-nu-lắk Kít-ti-khun cho biết, khu vực sông Mê Kông đang gặp nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu do đó rất cần sự hợp tác chặt chẽ từ các nước thành viên để đảm bảo và đáp ứng được các mục tiêu đặt ra như: phục vụ lợi ích phát triển của các nước, kiểm soát dòng chảy, phòng ngừa hạn hán, lũ lụt, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Qua đây, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế hy vọng Việt Nam sẽ điều phối, dẫn dắt đưa ra giải pháp để thực hiện các mục tiêu chung cũng như tăng cường đối thoại với các quốc gia thượng nguồn như Trung Quốc, Myanmar để chia sẻ các dữ liệu, điều phối dòng chảy, tăng cường an ninh nguồn nước trong khu vực và mang lại kết quả cùng có lợi cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế A-nu-lắk Kít-ti-khun
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, lưu vực sông Mê Kông hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức do sự gia tăng sử dụng nước cho mục tiêu phát triển kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu. Để giải quyết những khó khăn thách thức đó, ngoài nỗ lực của các quốc gia thì sự hỗ trợ của Ủy hội đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cần có những thay đổi quan trọng để phát triển thích ứng với điều kiện thực tại.
Nỗ lực phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn
Tại hội thảo về phát triển rừng ven biển, rừng ngập mặn diễn ra mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đã phát biểu chỉ đạo một số giải pháp trong bảo vệ, phát triển rừng.
Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí CO2 tốt nhất, nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền. Tuy nhiên, hiện rừng ven biển, rừng ngập mặn chỉ chiếm tương ứng 3% rừng nhiệt đới truyền thống và 1% tổng diện tích rừng quốc gia.
Phát triển rừng ven biển, ngập mặn
Có thể nói, phát triển bền vững rừng ven biển nói riêng và rừng ngập mặn nói chung vẫn là bài toán khó. Bên cạnh nguyên nhân về chi phí, phát triển rừng ven biển còn có rủi ro nhiều lần hơn so với rừng trên cạn; quỹ đất của rừng ven biển thường biến động do chịu sức ép từ quy hoạch của địa phương; tình trạng xâm lấn, phá rừng, nuôi trồng thủy sản diễn ra ở nhiều nơi bởi người dân mưu sinh; một số mô hình hay như nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long chưa có điều kiện phổ biến, nhân rộng.
Để đạt hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, Tổng cục Lâm nghiệp đề ra 3 nhiệm vụ chính. Bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan tới rừng ven biển; xây dựng, phát triển, nâng cao giá trị của các mô hình kinh tế trong rừng ven biển, đảm bảo sinh kế cho người dân; thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế để bảo vệ, phát triển rừng ven biển.
Tháng 10/2021, Chính phủ phê duyệt đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đề án nêu rõ, cần xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển. Một số loài cây như mắm, đước, vẹt, bần, dà... đã được ngành lâm nghiệp đưa vào trồng tại nhiều địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân mới đây đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Môi trường và một số đơn vị liên quan về việc xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Môi trường báo cáo, trong quá trình thực hiện Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tổng cục nhận thấy việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu sẽ là một phần trong kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, điều 15 của Luật Bảo vệ môi trường. Kế hoạch này sẽ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tiến hành xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường
Về xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các quy định về: khu vực điều tra, đánh giá, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường thuộc trách nhiệm của Nhà nước; điều tra, đánh giá sơ bộ, điều tra, đánh giá chi tiết khu vực ô nhiễm môi trường đất; quy trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; trách nhiệm của các cơ quan quản lý chất lượng môi trường (quy định từ điều 12 đến điều 18 Nghị định 08).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng để nối tiếp thực hiện Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý một số điểm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng mới được địa phương phát hiện theo hướng giao địa phương đánh giá, lên kế hoạch xử lý; kinh phí cho việc xử lý.
Khả Như