Bản tin môi trường số 20/2021
Vấn đề giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường tiếp tục là chủ đề chính được thảo luận tại các cuộc họp cấp cao của lãnh đạo nhiều quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh G20 thống nhất giới hạn tăng nhiệt là 1,5 độ C
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa nhất trí với mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Theo dự thảo cuối cùng của bản thông cáo chung trong Hội nghị, các lãnh đạo của G20 đã nhất trí về mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ trái đất không tăng quá mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tiêu chí này đã từng được đề ra tại Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhưng sẽ mang ngôn từ và hành động mạnh mẽ hơn, trong đó cần đến các hành động, cam kết đáng kể và hiệu quả từ phía tất cả các nước.
Các lãnh đạo G20 họp tại Roma (Ý)
G20 tái khẳng định, giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C, đồng thời cho biết việc khống chế mức tăng nhiệt này là "trong tầm tay". Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu nói trên, cần phải cắt giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và đưa về 0 vào năm 2050.
Bên cạnh vấn đề về giảm phát thải, các nhà lãnh đạo G20 cũng đưa ra tuyên bố chung thể hiện nỗ lực phối hợp hành động để giải quyết những thách thức toàn cầu như chống đại dịch Covid-19, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững, hỗ trợ các quốc gia nghèo trong quá trình hồi phục kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới...
Giảm nhiệt độ nóng lên của trái đất là vấn đề mở màn COP26
Tối 31/10 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) chính thức được khai mạc tại Glasgow (Anh).
Theo báo cáo tại buổi làm việc, các nhà khoa học cảnh báo cơ hội hiện thực hóa mục tiêu giảm nền nhiệt trái đất đã được thống nhất tại Thỏa thuận Paris năm 2015 đang dần tuột mất. Thế giới đã ấm lên hơn 1,1 độ C và dự báo nhiệt độ có thể tăng thêm đến 2,7 độ C vào năm 2100.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, năng lượng được giải phóng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm tan chảy phần lớn băng của trái đất, làm tăng mực nước biển và khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Vấn đề tăng nền nhiệt của trái đất được đề cập tại buổi khai mạc Hội nghị COP26
Phát biểu khai mạc Hội nghị COP26, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhấn mạnh: Chúng ta cần phải hành động ngay để giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Chúng ta cần một thập kỷ với các mục tiêu cao hơn và hành động khẩn trương hơn. Những gì chúng ta cần đạt được tại Glasgow là có thể dõng dạc tuyên bố “chúng ta đã giữ được mục tiêu 1,5 độ C” và kêu gọi các bên cùng nhau hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Cần giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Exeter (Anh) và các đối tác đã công bố một nghiên cứu về lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu, lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần bằng mức trước đại dịch, chủ yếu trong số chúng là từ việc đốt than và khí tự nhiên phục vụ cho lĩnh vực điện và công nghiệp. Việc sử dụng than và khí đốt được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn trong năm 2021 và cao hơn so với mức giảm vào năm 2020.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các quốc gia phát thải lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cho thấy lượng khí thải năm 2021 có xu hướng giảm như trước đại dịch Covid-19, trong khi ở Ấn Độ lượng khí thải CO2 có xu hướng tăng và ở Trung Quốc cũng đã tăng phát thải CO2 nhiều hơn.
Một lượng khí thải lớn phát sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp
GS. Pierre Friedlingstein, người đứng đầu nghiên cứu, thuộc Đại học Exeter cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng lượng khí thải khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch khiến chúng ta phải thực hiện những hành động toàn cầu khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Trong khi, việc chủ động đầu tư cho phát triển kinh tế xanh trong các kế hoạch phục hồi sau Covid của một số quốc gia vẫn chưa đủ để giúp các nước này giảm sự gia tăng lượng phát thải so với trước đại dịch.
Để nền kinh tế phục hồi bền vững, lượng khí thải CO2 phải giảm về 0 vào năm 2050 thì phải có sự chung tay, thống nhất của các quốc gia, khu vực.
Việt Nam cam kết giảm phát thải metan, tăng bảo tồn rừng, sử dụng đất bền vững
Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, thông qua Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Sự kiện được tổ chức nhân dịp Hội nghị COP26.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu
Việc Việt Nam tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước và xu thế chung của thế giới. Ngược lại, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ cam kết sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, góp phần nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải metan nói riêng và phát thải khí nhà kính nói chung.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hòa carbon vì an toàn cho trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau.
Trong đó, các nước phải cùng đoàn kết thống nhất trên nguyên tắc công bằng, công lý và hành động quyết liệt, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải metan; cần xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể, toàn diện, có tính thực tiễn cao, cần kích hoạt tất cả các cơ chế của Thỏa thuận Paris, giúp các nước tham gia quá trình làm giảm phát thải metan một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung luôn xanh, sạch.
Lam An