Bản tin môi trường số 13/2021
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà vừa có buổi làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Jeoung-ae về những chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Việt Nam – Hàn Quốc trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã cùng nhau trao đổi về các chương trình hợp tác về môi trường; thảo luận về Chính sách trung hòa phát thải carbon của Hàn Quốc; hợp tác về hệ thống giao dịch phát thải và những nội dung khác liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu.
Vấn đề giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cần nhiều sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận nhiều hỗ trợ về nguồn vốn ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam, đặc biệt là ODA không hoàn lại cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tính toán đỉnh phát thải và các giải pháp để đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Đáp lại, Bộ trưởng Han Jeoung-ae nhấn mạnh sẽ tăng cường thúc đẩy các cơ quan, doanh nghiệp của Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng sẽ phát triển hơn nữa, đạt được những thành tựu chung.
Việt Nam sẽ tham gia phiên họp của Đại hội đồng Khí tượng thế giới
Từ ngày 11 - 21/10 tới đây, Việt Nam sẽ tham dự phiên họp bất thường của Đại hội đồng Khí tượng thế giới năm 2021 (CgExt-2021) theo lời mời của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
CgExt-2021 tập trung thảo luận về vấn đề nước và khí hậu trong bối cảnh dịch Covid-19
Phiên họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tập trung thảo luận, phê duyệt các vấn đề quan trọng mang định hướng khu vực và thế giới về: tình hình cải cách và những tiến bộ của WMO trong bối cảnh của đại dịch Covid-19; tăng cường cơ chế làm việc khu vực; chiến lược và kế hoạch hành động của WMO về lĩnh vực thủy văn trong thế kỷ XXI; tuyên bố về nước, bao gồm liên minh về nước và khí hậu để đẩy nhanh việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 6; chính sách thống nhất dữ liệu của WMO cho việc trao đổi dữ liệu hệ thống quốc tế.
Tại đây, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về cơ sở tài trợ cho các quan trắc có hệ thống về tăng cường khả năng cung cấp dữ liệu, truy cập, chia sẻ dữ liệu để giám sát và dự báo hệ thống trái đất; năng lực ứng phó của WMO đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đảm bảo tính liên tục của hoạt động quan trắc và dịch vụ thiết yếu thông qua những cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ; đánh giá lại nguyên tắc làm việc chung và quy định kỹ thuật liên quan đến việc thành lập Mạng lưới quan trắc cơ bản toàn cầu của WMO.
Hưởng ứng Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon
Ngày 16/9 hàng năm, Ban Thư ký Công ước ozon quốc tế tổ chức Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon. Năm nay, ngày này được tổ chức với thông điệp “Nghị định thư Montreal - Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine” (Montreal Protocol - Keeping us, our food and vaccines cool).
Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ozon, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.
Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon
Hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này tại Việt Nam, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Biến đổi khí hậu xây dựng kế hoạch, thể lệ để phát động cuộc thi với chủ đề “Bảo vệ tầng ozon để bảo vệ khí hậu trái đất”.
Cuộc thi góp phần cụ thể hóa sự phối hợp giữa Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đối với các hoạt động về biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững, hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ozon; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của toàn xã hội, thực thi hiệu quả các cam kết của Việt Nam và cộng đồng thế giới về biến đổi khí hậu.
Việt Nam có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới
Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển, UNESCO vừa xem xét công nhận khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh thuộc khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng
Các khu dự trữ sinh quyển khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học...
Những khu vực được UNESCO công nhận đều có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt như: cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các mối đe dọa toàn cầu như nghèo đói, dịch bệnh; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu.
Thanh Tâm