Ấn Độ: Tiếp tục căng thẳng nguồn than cho sản xuất điện
Ấn Độ đã trải qua tháng 10 với nguồn cung than gần như cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng.
Báo cáo dữ liệu tiêu thụ điện năng của Cơ quan điện lực Ấn Độ trong tháng 10 vừa qua cho thấy, nhu cầu sử dụng điện của quốc gia đông dân thứ 2 tại Châu Á (sau Trung Quốc) đã tăng 4,1%. Mặc dù sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than tăng 1,8%, điện năng lượng mặt trời tăng 28,4%, tuy nhiên nguồn cung điện vẫn thấp hơn so với nhu cầu thực tế là 1%.
Lưới điện ở Mumbai, Ấn Độ. Nguồn ảnh: Reuters. |
Sở dĩ nhu cầu sử dụng điện tăng cao là do Ấn Độ đang phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 sau khi trải qua làn sóng thứ 2 của dịch bệnh. Tháng 9, các bang thuộc miền bắc Ấn Độ đã phải cắt điện liên tục mỗi ngày 14 giờ do tình trạng thiếu nguyên liệu than trầm trọng.
Giá nguyên liệu than tăng cao toàn cầu những tháng qua, khiến cho các công ty điện lực phải “tranh giành” nguyên liệu. Dữ liệu từ Cơ quan quản lý lưới điện liên bang (POSOCO) cho thấy, trong tháng 10, Ấn Độ thiếu 1.201 kWh - đây được coi là con số tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2017 đến nay.
Tháng 10, có 8 nhà máy điện tại bang Uttar Pradesh đã phải dừng hoạt động tạm thời và 6 nhà máy khác đã phải đóng cửa do cạn kiệt nguồn than. Mặc dù Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có chi phí sản xuất điện mặt trời rẻ hơn so với chi phí sản xuất nhiệt điện than, nhưng quốc gia này đến nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào than. Thị phần than trong ngành sản xuất điện của Ấn Độ trong tháng 10 đã tăng lên 70,6% (trong tháng 9 là 66,5%). Trữ lượng than tồn kho trung bình ở các nhà máy nhiệt điện chỉ có thể kéo dài được 4 ngày, giảm 2/3 thời gian so với trung bình của các tháng trước đó.
Hiện, chính phủ Ấn Độ đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ ngành năng lượng rơi vào khủng hoảng, trong đó có kế hoạch tạo điều kiện tối đa để các nhà sản xuất điện bán điện ra thị trường, nhằm điều tiết cung cầu trong những tháng cuối năm.